Bài Lời Chúa 071
BÀI LỜI CHÚA 71
Làm sao gặp được chúa ?
Trích sách Ysaia, ch.36-37
Hoàng đế Sê-na-kê-ríp đem một đại quân binh hùng tướng mạnh đến vây Yêrusalem. Từ nơi ông đóng ở La-kít, ông sai ba đại tướng đến Yêrusalem mang tối hậu thư bảo phải đầu hàng. Ba tướng đến với cả một đoàn vệ binh. Một trong ba tướng cất tiếng dọa nạt và còn dám phạm thượng đến Yavê Thiên Chúa :
- Đừng để Thiên Chúa của ngươi, Đấng ngươi trông cậy, lừa dối ngươi rằng : Yêrusalem sẽ không bị phó nộp trong tay Hoàng Đế Assur. Coi ! Ngươi đã từng nghe Hoàng Đế ta đã thắng trên cả thiên hạ, còn các ngươi sẽ thoát ư ? Họa chăng thần của các ngươi là Yavê có mạnh hơn thần các nước kia không ? Thần của các nước đó đã chẳng cứu được chúng thoát khỏi tay Vua của ta, thì huống chi là thần của các ngươi !.
Vua của Yuđa là Ê-dê-kia cầm lấy tối hậu thư ấy mà đọc. Đoạn ông lên Đền Thờ, nơi Yavê Thiên Chúa ngự, vào gặp Ngài và trình bày thư trước Nhan Ngài. Ông nói :
- Lạy Yavê, Chúa các cơ binh, Thiên Chúa của Israen, chính Người mới là Chúa Tể trên mọi nước trần gian, vì chính Người đã làm ra trời đất. Lạy Yavê, xin hãy nghe các lời Vua Sê-na-kê-ríp đã sai đến mạ lị Thiên Chúa hằng sống. Đã hẳn, Vua ấy đã tàn phá xứ sở các dân và hủy diệt các thần của chúng, vì các thần đó không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là đồ tay người phàm lấy gỗ, đá, đúc, đẽo nên mà thôi. Vậy bây giờ, lạy Yavê Thiên Chúa của chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay nó, để mọi nước trên trần biết : chính Người mới là Thiên Chúa thật mà thôi.
Vua Ê-dê-kia gặp Chúa xong, về cung chờ đợi. Thiên Chúa sai tiên tri Ysaia đáp lời :
- Đây là lời Yavê phán về Sê-na-kê-ríp : “Ngươi đã cả dám buông lời mạ lị Đấng Thánh của Israen, Ta sẽ ra tay cứu lấy thành Yêrusalem này mà không phải bắn một mũi tên, và Ta sẽ lùa ngươi về theo con đường mà ngươi đã đến đây”.
Quả thực, đêm đó, dịch tả hoành hành, giết chết ngay 185.000 lính, và Sê-na-kê-ríp phải dỡ trại, cuốn cờ lủi thủi rút lui về Ninivê. Và xảy ra là khi ông đang cúng bái trong chùa của thần Nít-rốc, hai con trai ông đã lấy gươm ám sát ông.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Nghe bài Lời Chúa trên, người ta dễ lưu ý đến hình phạt Chúa dành cho kẻ xúc phạm đến Chúa. Đã đành thế, xong xin lưu ý anh chị em đến một điều khác : Hành vi của Vua Ê-dê-kia. Ông đã làm gì khi nhận được tối hậu thư của Vua nước Assur ? Ông cầm lấy thư, lên Đền Thờ gặp Thiên Chúa Yavê, và trần tình với Người mọi sự, rồi cầu xin Người ra tay cứu. Và ông đã được như lời ông xin. Đến gặp Thiên Chúa, thưa chuyện với Người và được Người giải cứu : đó là điều ta muốn nói hôm nay.
1/ Trước hết, việc gặp Chúa có cần không ?
Thưa : tối cần. Vì cùng đích đời sống của ta là được hạnh phúc muôn đời với Chúa, nói nôm na là lên thiên đàng. Nhưng thiên đàng của ta khác Niết bàn Phật giáo ở chỗ ta lên thiên đàng để ở và sống với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, chứ không phải như Niết Bàn Phật giáo, chỉ cần sống siêu thoát riêng một mình sung sướng, thanh nhàn, chẳng cần có ai. Còn thiên đàng của ta là gặp Chúa Kitô, sống VỚI Chúa Kitô trước Nhan Cha chí ái. Đó là sự sống đời đời, đó là hạnh phúc cuối cùng và bất diệt của ta.
2/ Gặp khi nào ?
Cách chung, người ta thường nghĩ : gặp sau khi chết, gặp ở đời sau. Đúng, nhưng không đầy đủ. Không những đã không đầy đủ, mà đôi khi nghĩ như vậy còn có hại, đó là có ý nói đến những ai cứ sống phè phỡn ở đời này, vì họ nghĩ đời sau mới gặp Chúa cơ mà, chỉ cần tính sao cho lúc sắp chết, ăn năn trở lại kịp, hoặc mời cha cố đến xức dầu, làm các phép sau hết, bôi bôi, chùi chùi vài cái, rồi miệng lầm rầm vài câu giải tội là mọi chuyện đều ổn : nước thiên đàng cầm chắc trong tay !
- Vô tình hay cố ý tính toán như thế là sai lầm tai hại. Những ai chờ đến đời sau để gặp Chúa thì không bao giờ gặp được. Kinh Thánh dạy : “Ai lại gần Thiên Chúa thì phải tin là Người có và Người thưởng công cho những ai tìm kiếm Người” (Híp-ri 11.6). Lại gần có nghĩa là gặp Chúa, sống với Chúa. Muốn được thế thì phải tin Ngài có và ra công tìm kiếm Ngài ngay ở đời này, rồi Ngài sẽ thưởng công cho, tức là thưởng thiên đàng cho. Vậy ngay từ đời này phải tìm Chúa, thì đời sau mới gặp. Đời này tìm gặp Chúa để tin yêu, thờ lạy, đời sau mới gặp được Chúa để làm phần thưởng.
Có người khác, không chấp nhận lối sống tính toán nói trên, song lại nghĩ : chỉ sau khi chết ta mới được gặp Chúa, thấy nhan Chúa, hạnh phúc vô cùng. Còn đời này, phải chịu cực chịu khổ, trăm điều thử thách, là nơi lưu đầy xa Chúa, Chúa như ở trên cao, nhìn xuống ta vất vả chiến đấu một mình. Những người này cũng sai lầm một phần nào, tuy không có ý tính toán xấu xa. Nhưng quan niệm của họ không đúng với Tin Mừng. Học hỏi Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa nói khác:
“Thày sẽ không bỏ các con mồ côi. Thày sẽ đến với các con. Còn ít nữa, thế gian không còn thấy Thày. Phần các con thì khác, các con sẽ thấy Thày sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày ấy..., các con ở trong Thày và Thày ở trong các con, cũng như các con biết là Thày ở trong Cha vậy” (Ga 14.18-20).
Sau đó, Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn : “Ai yêu mến Thày, thì sẽ được Cha Thày yêu mến, và Thày sẽ yêu mến người ấy và tỏ mình ra cho người ấy”.
Câu “các con sẽ thấy Thày sống” có nghĩa là gặp lại Thày. - “Các con ở trong Thày và Thày ở trong các con” tức là gặp nhau và thương nhau, kết hợp với nhau, đến nỗi vợ chồng thương nhau cũng không được như thế. - Còn câu “Thày sẽ tỏ mình ra”, đó là Chúa tỏ mình ra cho ta thấy, ta gặp, ta yêu mến Ngài.
Tóm lại : gặp Chúa để được hạnh phúc, mà phải gặp ngay từ bây giờ. Ở đây nảy lên một khó khăn :
3/ Làm thế nào gặp được Chúa ?
Chúa và chúng ta ở hai thế giới cách biệt : ta ở cõi phàm trần, thuộc hạ giới, còn Đức Giêsu thì kể từ khi Ngài phục sinh, rồi thăng thiên, Ngài đã lên trời, về cùng Cha, trong cõi thiên thai mầu nhiệm. Làm sao gặp nhau ?
Các Tông đồ và môn đệ ngày xưa còn có cái may hơn ta là gặp được Chúa lúc Ngài còn sống tại thế : họ được tiếp xúc với Ngài hàng ngày, cùng ăn, cùng ở, được lời Ngài dạy. Đến lúc Đức Giêsu phục sinh rồi, họ vẫn còn được Ngài tiếp tục hiện ra cho họ thấy trong thời gian 40 ngày : Ngài nói, Ngài dạy, Ngài trò chuyện và cùng ăn uống một bàn với họ (x. 1Cor 15.4-8; Mt 28.9tt; Ga 20.11tt; 21.1tt; Cv 1.3-12).
Chúng ta đâu có được cái may đó, ta sinh ra ở thế kỷ 20, lại ở xa quê Chúa hằng vạn cây số, dù có sống đồng thời với Chúa, thì cũng chẳng có tàu bè gì mà đi hành hương tới Yêrusalem để gặp được. Huống chi lại còn sinh ra sau Chúa 20 thế kỷ ! Vậy làm thế nào gặp Chúa được đây ?
Chúa đã khôn ngoan dự liệu một phương thế làm trung gian, nhờ đó, như chiếc cầu, Ngài từ cõi mầu nhiệm đến với ta (Đức Giêsu nói : “Thày sẽ đến với các con”), và cũng ở đó, ta được gặp Ngài ngay hôm nay, giữa thế kỷ 20, lúc nào ta muốn (vì thế, Chúa nói : “Phần các con, sẽ thấy Thày sống, Thày sẽ tỏ mình ra cho các con...”), nghĩa là ta gặp Chúa, Chúa gặp ta.
Phương thế làm trung gian ấy, làm chiếc cầu bắc ngang ấy là các Bí Tích. Lấy một ví dụ điển hình là Bí Tích Thánh Thể : Trước khi truyền phép đó là bánh và rượu thường ; sau truyền phép, Đức Giêsu vinh hiển phục sinh từ trời cao đến dưới hình bánh rượu, Ngài có mặt đó, chúng ta đến thờ lạy Ngài, hoặc lên rước lấy Ngài, gặp Ngài, tiếp xúc với Ngài.
Thế mà, như kỳ trước đã nói : Thánh Kinh, hoặc Lời Chúa cũng là một Bí Tích. Khi để yên, cuốn sách Kinh Thánh cũng chỉ là một cuốn sách như bao cuốn sách khác ; nhưng khi lấy lòng tin mà đọc, thì Chúa hiện diện đó, đang nói với ta, ta gặp Chúa, nghe Chúa, và đáp lời Chúa, y như xưa Maria ngồi dưới chân Chúa nghe Chúa vậy. Lời Chúa đem Chúa đến gặp ta là như thế đó.
Nhưng Bí Tích Lời Chúa có cái tiện lợi hơn các Bí Tích khác ở điểm này : là các Bí Tích khác, không phải lúc nào ta cũng có được, ta phải đến nhà thờ, ta phải nhờ linh mục ban cho ta. Còn đằng này, cuốn Kinh Thánh, ta có bên mình ngay trong nhà, lúc nào ta muốn, ta có thể đọc và khi đọc với lòng tin, thì Chúa đến và gặp ta, nói với ta ngay : cuộc tiếp xúc được thiết lập ngay lúc ấy, bất kể ngày hay đêm, ở nhà hay đi trên đường, hoặc trong nơi công sở, xí nghiệp...
Thật vui sướng thay ! Khi gặp hoạn nạn, thử thách, khi âu sầu, đau khổ hoặc thất bại, ta mở sách Lời Chúa ra, ta gặp Chúa, Chúa sẽ nói lời an ủi. Chúa sẽ soi sáng cho ta khi ta bối rối không biết phải chọn con đường nào, hành động cách nào... Chúa sẽ thêm sức mạnh cho ta, khi ta muốn buông xuôi, bỏ cuộc, muốn chết hay muốn chạy trốn cuộc đời... ; Chúa sẽ đáp ứng tất cả mọi nhu cầu tâm hồn và đời sống ta.
Gia đình ta hôm nay xin tạ ơn Chúa và vui sướng vì có cuốn sách Lời Chúa, là có Chúa ở cùng, trong gia đình mình. Giả sử có ai được phúc giữ ảnh Đức Mẹ thánh du trong nhà, hẳn nhà ấy lấy làm vinh dự lắm ! Đấy chỉ là bức tượng, bức ảnh Đức Mẹ. Thế thì, cuốn sách Lời Chúa còn hơn thế, vì khi đọc lên với lòng tin, thì Chúa có mặt đó liền, chứ không chỉ là một cuốn sách nữa. Nếu gia đình nào được đặc ân cất giữ Mình Thánh Chúa, chắc cả gia đình sẽ lấy làm vinh hạnh lắm! Xưa Vua Đavít rước Hòm bia Thiên Chúa, vua đi trước, nhảy múa ca hát hết lòng ngợi khen Chúa, rồi cứ 100 bước lại giết một con chiên, 1.000 bước lại giết một con bò tế lễ lên Thiên Chúa. Mà đấy chỉ là Hòm bia vật chất, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn nay ta được chính Chúa đến gặp ta, ban sự sống và mọi phúc lành kèm theo ngay trong chính lúc ta đọc Lời Chúa, thế thì chẳng đáng ta ca hát, ngợi khen, chúc tụng và vui mừng hơn sao ?
Tích truyện
Dưới dòng tít “Một ông thợ may vớ được kho tàng trị giá hàng chục vạn đô la”, nhật báo Ngôn Luận, xuất bản tại Saigon, số ra ngày 23-6-1958 loan tin như sau : “Vienne - Cách đây chừng 50 năm, một anh thợ may thành Vienne, nước Áo, có bắt được một cuốn Kinh Thánh, ấn hành năm 1603. Năm nay, người thợ may đó đã 77 tuổi. Ông lão vẫn giữ được cuốn sách ấy, nhưng đã coi đó là đồ bỏ, và vứt vào một xó tủ. Ông ta không bao giờ ngờ rằng, nó là quyển duy nhất viết toàn bằng tiếng Latinh còn lưu lại trên thế giới. Ngày vừa qua, ông viết thư cho một người bà con bên Mỹ và có nói sơ qua về quyển sách ấy. Người bà con này liền đi hỏi một nhà chuyên môn sưu tầm sử liệu ở một Đại học đường, thì được biết rằng : quyển sách ấy rất có giá trị và bằng lòng mua với giá 100.000 đô la.
Nhưng ông lão thợ may khi thấy rõ giá trị của quyển sách, đã nhất định đòi 200.000 đô la mới bán... Thật là một món bở không thể tưởng tượng được!”
Nghe truyện này, người ta liên tưởng đến rất nhiều Kitô hữu, đã đối xử với cuốn Kinh Thánh như ông thợ may : thay vì quí trọng và đọc lời của Chúa, thì coi thường và vứt vào xó... Nếu những người đó hiểu được giá trị của cuốn ấy, thì 200.000 đô la kia chẳng thể đánh giá được, vì nó là một vật báu vô giá, một của báu siêu phàm chứa đựng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Thánh Phêrô nói : “Bỏ Thày con biết theo ai ? vì Thày có lời đem đến sự sống đời đời”. Thì quyển sách chứa Lời Chúa giá trị bằng cả Nước Thiên đàng, vì nó đem ta đến sự sống đời đời là Nước Thiên đàng vậy.
- Thư Viện: