Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 093

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  93

 

Đền thờ là thân thể Chúa Giêsu Phục Sinh

 

Trích Tin Mừng Thánh Gioan 2.13-22

 

Đức Giêsu lên Yêrusalem để dự lễ Vượt qua Do thái. Đến sân Đền Thờ, Ngài vô cùng đau lòng vì thấy ồn ào, inh ỏi ; nơi cầu nguyện không còn tôn nghiêm nữa, vì hàng chức sắc Đền Thờ đã cho phép con buôn bò, cừu, bồ câu và quân đổi bạc bày la liệt, đúng là cái chợ mất rồi. Lấy uy quyền một người của Thiên Chúa, Ngài quấn giây thừng làm roi mà xua đuổi hết thảy ra khỏi sân Đền Thờ, cùng với các súc vật của họ ; còn tiền của quân đổi bạc thì Ngài đổ tung ra, xô nhào bàn ghế của họ, và bảo bọn buôn bán bồ câu :

 

-     Hãy cất khỏi đây các vật ấy, đừng biến nhà Cha Ta thành một cái chợ.

 

Các chức sắc Do thái được báo động liền chạy ra chất vấn Ngài :

 

-     Ông lấy quyền của ai mà hành động như thế ? Và nếu ông có quyền ấy, thì làm một cái dấu chứng tỏ cho chúng tôi biết.

 

Đức Giêsu đáp:

 

-     Dấu chứng tỏ ư ? Các ngươi hãy phá Đền Thờ này đi ! Và trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại !

 

Họ vặn lại :

 

-     Ông nói gì lạ, phải mất 46 năm, Đền Thờ này mới dựng nên được ; thế mà trong ba ngày, ông sẽ dựng lại được ư ?

 

Nhưng không cần đáp, Ngài bỏ đi chỗ khác và người Do thái cũng bỡ ngỡ, không hiểu cái dấu Ngài hiến cho họ. Nhưng các Tông đồ của Chúa thì hiểu rằng : Đức Giêsu nói như thế là nói về Đền Thờ là Thân mình Ngài. Tình thực, thì ngay tại chỗ, các môn đồ cũng chưa hiểu, đến khi Chúa chịu tử nạn và sống lại, họ mới nhớ và hiểu là Ngài đã nói thế, nghĩa là : Đền Thờ là thân thể Ngài. Trong cuộc Thương khó, bị người Do thái giết đi, tức là phá hủy Đền Thờ. Khi Chúa lấy quyền phép Thiên Chúa mà sống lại, tức là Ngài dựng lại thân thể Ngài để làm thành Đền Thờ nơi Thiên Chúa ngự. Thế là các Tông đồ tin vào lời Đức Giêsu.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khenChúa !

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Nếu anh chị em có trí nhớ tốt, thì hai bài trước đây chúng ta có suy niệm lời Chúa nói với người phụ nữ Samari rằng : Từ nay, thờ Thiên Chúa không còn ở núi này hay Đền Thờ Yêrusalem nữa, mà thờ phượng Cha trong Thần Khí và sự thật. Nhiều người nghe vậy thì thắc mắc rằng : Như thế, nhà thờ từ nay không cần nữa sao ? Nhà thờ có vai trò gì trong Đạo Chúa Kitô ?

 

Đáp : Quả thật, trong đạo mới của Chúa Kitô, nhà thờ vẫn còn cần, nhưng vai trò của nó từ nay rất khiêm tốn và phụ thuộc. Nó còn cần, song cái cần của nó là do thực tế, thực dụng. Trước hết, nó là nơi che mưa che nắng cho tín hữu đến nhóm họp. Sau nữa, nó là nơi các tín hữu họp nhau lại, theo tư cách là cộng đồng Dân Chúa, để thờ phượng cách công khai, có tính xã hội.(15) Rồi ở đó ta được nghe giảng dạy, lãnh các Bí Tích rất ích lợi cho ta. Như thế, nhà thờ gỗ đá chỉ có vai trò rất thực dụng và tiện lợi. Đối với bên ngoài, nó có tính cách biểu tượng, nó bày tỏ ra trước mắt người đời đoàn dân Chúa, Hội Thánh Chúa đang hội nhau bên trong, mà nó là cái dấu chỉ bên ngoài.

 

Nhưng thực chất, nó không tuyệt đối cần thiết, có thể phá nó đi, hay không có nó, ta vẫn thờ Chúa được, chẳng hạn như khi ta tổ chức Thánh Lễ ngoài trời. Nếu ta hiểu bài Kinh Thánh hôm nay, thì thấy rõ ngay. Đức Giêsu bảo : cứ phá Đền Thờ gỗ đá này đi, Ngài sẽ dựng lại một Đền Thờ khác trong ba ngày, mà Đền Thờ mới này không còn bằng gỗ đá nữa. Bài Kinh Thánh nói rõ rằng : Đó là Đền Thờ bằng chính Thân mình của Ngài. Các tín hữu thời đầu hết của lịch sử Giáo Hội có Đền Thờ nào đâu ! Sách Công vụ các Tông đồ nói rõ là họ họp nhau ở nhà tư : “Họ bẻ bánh ở nhà” (Cv 2.46), tức là họ dâng Thánh Lễ với nhau ở nhà tư, của một tín hữu nào đó. Và cho đến mấy trăm năm sau cũng vậy, dù số tín hữu đông lên rất nhiều, họ phải chọn những nơi rộng lớn hơn. Mãi sau ba trăm năm cấm đạo, đạo Chúa Kitô được công nhận tự do hành đạo, các vua chúa, quan quyền mới dâng hiến các đền đài đồ sộ, nguy nga làm Đền Thờ. Đa số các Đại Thánh Đường ở Roma bây giờ là thế cả.

 

Đền Thờ đích thực mà Chúa Kitô muốn cho đạo chúng ta, trước hết là một Đền Thờ linh thiêng. Thánh Phêrô cắt nghĩa cho ta hiểu thế nào : “Anh em được đến gần Ngài, Viên đá tảng và sống động..., còn anh em được xây lên trên Ngài, như thể những viên đá sống, làm thành một tòa nhà thiêng liêng, để dâng lên lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” (1Pr 2.4-5). Thật rõ ràng, anh chị em là những con người sống động, nhưng nói theo cách bóng bẩy thì ví như những viên đá sống, đem hết viên này tới viên kia xây lên tòa nhà thiêng liêng, tức là Đền Thờ chứ còn gì nữa. Nhưng xây là phải xây trên nền đá mới chắc. Thánh Phêrô dạy : Nền tảng đá chắc ấy là chính Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta được chắp nối và xây trên Ngài, để hợp với Ngài làm Đền Thờ, nơi Thiên Chúa ngự. Chúng ta dẫu ở đâu vẫn là nhà thờ thiêng liêng ở đó, mà thờ phượng Thiên Chúa và lãnh được mọi ơn phúc lành cần thiết cho cuộc đời ta. Thánh Phêrô vừa nói trên: “Để dâng các tế lễ thiêng liêng, rất đẹp lòng Thiên Chúa”.

 

Những tế lễ thiêng liêng này là mọi việc của cuộc sống : ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ... đã xem phần nào ở kỳ trước, khi Chúa bảo phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật, mà chúng tôi tạm gọi là : một sự thờ phượng hiện sinh !

 

  •      Có người sẽ hỏi : Thờ phượng hiện sinh, tức là trong mọi nơi, mọi lúc của đời sống, như thế thì không cần đi nhà thờ nữa sao ?

 

Đáp : Không phải. Trên kia, chúng ta đã nói đến sự cần nhà thờ, một sự cần thực tế, thực dụng. Ta vẫn phải đến nhà thờ để họp với đoàn dân Chúa mà biểu lộ một sự thờ phượng cộng đồng, công khai, Phải đến nhà thờ để nghe giảng dạy và lãnh các Bí Tích ; nhờ hai việc đó tăng cường đời sống đức tin, đức cậy, đức mến. Ta là dân Thiên Chúa chứ không phảing tu rừng, mà chỉ cần ôm cuốn Kinh Thánh suy niệm, rồi cầu nguyện và sống với Chúa... Điều đó tốt, song không đủ. Vì sống riêng tư một mình, cô độc, chúng ta sẽ co cụm lại, sẽ nghèo nàn đi, và rất dễ sai lạc. Khi đèn chúng ta cạn dầu thiêng liêng, ta phải đến nhà thờ để nhờ nghe giảng dạy Lời Chúa, lãnh các Bí Tích mà lại đổ đầy dầu thiêng liêng, cho đèn đức tin, đức mến của ta tiếp tục cháy sáng, và nhờ đó, ta về nhà hoặc đi làm việc ở đời mới thêm sức mạnh, thêm phấn chấn mà làm chứng cho Chúa. Không có đèn nào mà không phải châm dầu, tiếp sức ; xe hơi, xe honda không có cái nào cứ chạy mãi mà không phải đổ xăng nhớt. Ngay cả xe hơi chạy bằng điện mặt trời, thì cũng phải có ắc qui để nạp điện dự trữ.

 

  •      Có người lại hỏi : Vậy Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari là không thờ tại nơi nào cả, thì Chúa có ý muốn dạy gì ? Đáp :

 

1/  Như đã học hai kỳ trước : ý Chúa bảo là đừng bám vào một nơi nào như tuyệt đối, như chỉ ở đó mới có Thiên Chúa ngự. Thánh Thần là Thần Khí, Người ở khắp mọi nơi, Người không bị cột chặt vào một chỗ.

 

2/  Nay thì Chúa còn dạy thêm : Thiên Chúa bây giờ chỉ ngự trong Đền Thờ là Thân mình Chúa Giêsu phục sinh, nên ta phải đến tìm Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu, ở đấy mới gặp Thiên Chúa. Mà Thân mình Chúa Giêsu phục sinh thì gồm có đầu là Đức Giêsu và thân thể là các tín hữu chúng ta, là Hội Thánh. Cho nên vào trong Chúa Giêsu thì cũng phải kết hợp với anh chị em tín hữu nữa, không thù oán, căm ghét họ, không làm hại họ, nhưng hãy phục vụ họ. Chúng ta gặp Thiên Chúa trong Thân mình Đức Giêsu là vậy đó.

 

3/  Chúa còn muốn cảnh giác chúng ta về lối giữ đạo cứ chỉ coi đi nhà thờ là đủ bổn phận, cứ tưởng hễ đi nhà thờ là sốt sắng, đạo đức, yên tâm yên chí đã đẹp lòng Chúa. Nhưng về đến đời sống bình thường đối xử với tha nhân thì lại khác. Đúng như lời Thánh Phanxicô Salêdiô nói : “Có những người ở nhà thờ là thiên thần, về nhà là quỉ sứ”. Một lối sống đạo như thế gọi là tách đôi, đời ra khỏi đạo, nhà thờ ra khỏi đời thường. Chúng tôi xin mạn phép nói : đạo ấy là đạo giả, đức ấy cũng là đức giả. Ở nhà thờ thì sốt sắng, đạo đức, nghiêm trang, lễ lạy chu tất, nhưng về nhà, về cuộc sống đời thường thì như một kẻ vô đạo đức, không giữ lời đã nghe ở nhà thờ, cứ ăn gian nói dối, giận dữ, nóng nảy, chửi rủa, cờ bạc, chơi gái, nhậu nhẹt say sưa, làm ăn phi pháp, bán rẻ lương tâm, miễn sao có tiền là được, cho dù việc làm của mình có độc hại cho hàng xóm, láng giềng, mặc kệ. Có người công giáo đi dự lễ, chịu lễ mỗi ngày, nhưng mở quán bia ôm. Có người lại mở lò heo ngay sát vách nhà người khác, đêm đêm xuống xe heo, giết heo, la hét, cãi nhau inh ỏi, heo rống, heo la, làm hàng xóm mất ngủ : kệ, ta làm ăn mà, có tiền là được. Có người lại mở lò đun muối, lò bánh mì, lò nấu gang, nấu nhôm chen ngay giữa nhà dân cư, mặc kệ cho khói độc, khí độc, nước độc làm ô nhiễm hại sức khoẻ đồng bào...

 

Không có Chúa nào dạy họ đi nhà thờ, về nhà làm khổ tha nhân như vậy cả. Đúng hơn, phải làm sao ở nhà cũng thờ Chúa bằng cách yêu thương phục vụ tha nhân như thờ Chúa tại Đền Thờ. Vì ta cũng anh chị em ta đều là đền thờ cả! Thánh Phaolô dạy : “Anh em dư biết  anh em là Đền Thờ Thiên Chúa, nơi Chúa Thánh Thần ngự” (1Cr 3.16; 6.19). Thánh Phêrô dạy (đã trích trên kia) : “Anh em được cùng với Đức Giêsu xây lên thành tòa nhà thiêng liêng”, song là Đền Thờ sống động xê dịch được. Ta đi đâu, ở đâu, là Đền Thờ ở đó... Mà đã là Đền Thờ thì có Thiên Chúa ngự : “Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”. Thánh Gioan cũng nói : “Cha Ta và Ta sẽ đến với nó và đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14.23).

 

Chỉ có người tín hữu nào, tuy mang danh là Đền Thờ Thiên Chúa, nhưng trong mình họ, Thiên Chúa đã chết rồi, thì mới sống đạo đức giả như trên. Còn tín hữu nào là Đền Thờ, mà trong mình họ Thiên Chúa vẫn sống, người ấy sẽ sống bất cứ ở đâu cũng nghiêm trang, đạo đức, sốt sắng, yêu thương, tha thứ, phục vụ...

 

 

Tích truyện

 

Tại một khu phố cổ của Ấn Độ, trên đường cũng như trong nhà thương tối om, không có đèn. Ngay cả ngôi đền thờ cũng vậy. Nhưng nếu để ý, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn, bên trong không có đèn. Đến ngày lễ, mỗi tín đồ đem đèn sáng của mình đặt vào trong các lồng đèn ấy, tức thì đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...

 

Ngôi Đền Thờ chỉ sáng rực nhờ chính những ngọn đèn mà tín hữu mang đến. Ngôi Đền Thờ đá gỗ sẽ vắng vẻ, lạnh tanh và tăm tối, nếu mỗi người tín hữu không thắp sáng nó bằng chính ánh sáng của cuộc sống mình. Mỗi một người Kitô hữu trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một chiếc đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường, tức là cộng đồng giáo xứ được sáng lên. “Vì anh em không biết sao ? Anh em, chị em tất cả họp lại thành Đền Thờ của Thiên Chúa” (1Cr 3.16). Nếu mỗi người, do tội lỗi, đam mê, làm tắt ngọn đèn tin và yêu mến của mình, thì cả Đền Thờ đều tối thui, cả xứ đạo đều lạnh lẽo, chỉ còn là hang sâu đen tối của quân trộm cướp.

 

 



(15)    Đã học ở bài 5.