Bài Lời Chúa 074
BÀI LỜI CHÚA 74
Thế nào là cứu chuộc ?
Ta đã thấy loài người chúng ta mắc tội tổ tông và các tội riêng mình làm, cho nên tất cả nhân loại ta rơi vào tình trạng hư mất, không có sự sống Thiên Chúa. Chúa đã lập hai kế hoạch để cứu chuộc chúng ta khỏi tình trạng hư mất ấy. Nếu anh chị em ta hiểu thật đúng việc cứu chuộc, lúc ấy ta mới hiểu Bí Tích Rửa tội được, vì Bí Tích Rửa tội là cái đến để chuyển ơn cứu chuộc kia tới cho ta.
Trích thư 1 Corintô, ch.6
Anh em hãy tránh tà dâm ! Phàm mọi tội người ta phạm, thì đều ở ngoài thân xác ; còn kẻ tà dâm thì có tội phạm đến chính thân xác mình. Vì anh em không biết sao ? Thân mình anh em (bây giờ đã) là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (ngự) trong anh em ; anh em đã chịu lấy (Ngài) từ Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về mình nữa. Anh em đã được mua chuộc, giá cả hẳn hoi ! Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em !
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Trích đoạn Kinh Thánh trên, chúng tôi không có ý bàn giải về tội tà dâm, nhưng về việc cứu chuộc. Tại sao như thế ? Vì Thánh Phaolô cho biết : Thân mình của chúng ta đã được mua chuộc lại bởi máu đào của Đức Giêsu đổ ra trên thập giá ; do đó, thân mình của ta không còn thuộc về ta nữa. Nó thuộc về người khác rồi, tức thuộc về Đức Kitô rồi, Ngài đã mua chuộc nó lại để dùng làm Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự. Cho nên, từ nay, ta sống là để làm vinh danh Thiên Chúa, chứ không để phạm tội nữa. Cũng y như người ta mua một cái nhà lớn, chuộc nó bằng một món tiền lớn, là để làm nhà thờ, mà nhà thờ là nơi thánh, dùng để ngợi khen, cầu nguyện, tế lễ, chứ không còn được phép dùng vào việc phàm tục nào khác, chẳng hạn như chất hàng, buôn bán, làm phòng ngủ... ; huống hồ để làm nơi phạm tội ở đó ! Nghe ở đoạn Kinh Thánh này có câu “mua chuộc”, ta đâm thắc mắc : việc cứu chuộc có phải là một việc chuộc lại bằng một cái giá đắt không ? Thưa : Không ! Ủa, thế sao Thánh Kinh ở đoạn trên, và còn ở nhiều đoạn khác nói rõ : là chuộc lại, và bằng một cái giá đắt cơ mà, chẳng hạn ở Mt 20.28 : “Con Người đến không để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” ? Thưa : đó là một cách nói bình dân, một hình ảnh thô thiển để cho người ít học, bình dân nhất đều có thể hiểu. Nhưng việc cứu chuộc không được hiểu như một việc đem một cái giá mà mua lại. Hình ảnh ấy không được hiểu sát nghĩa đen như thế, song có ý nói rằng : Chúa đã phải cực khổ, khó nhọc lớn lao, nặng nề đến thế nào để cứu rỗi ta (cũng giống như khi ta nói : tôi đã thi đậu, song với một giá rất đắt, tức là phải hi sinh nhiều)...
Vậy thực chất, phải hiểu việc cứu chuộc, hoặc cứu rỗi ấy như thế nào mới đúng ? Chúng ta sẽ nhờ các nhà thần học ngày nay dạy chúng ta, cách riêng nhờ Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, nhờ các lời giảng dạy của Cha viết trong tập Kê-rích-ma II, chương dạy về sự chết cứu chuộc của Chúa Giêsu. Cha Thuấn viết : Nếu hiểu đó là một giá chuộc, thì một khi Đức Giêsu đã thanh toán sòng phẳng, giá cả đã trả hẳn hoi, tại sao Thiên Chúa lại không ban thiên đàng cho chúng ta? Thế thì Người không làm trọn phép công bằng, Người đã không tha thứ hẳn ; ngược lại, Người mắc nợ ta vì cầm tiền chuộc rồi mà không sòng phẳng. Trả giá như vậy rồi, Hội Thánh còn cần làm gì, các Bí Tích chẳng còn cần nữa. Xem ra giá cả đã xong, mà thực ra chẳng xong gì cả ! Hơn nữa, nếu việc cứu chuộc ta là việc mua bán như thế, hóa ra ta chỉ là một đồ vật thôi sao ?
Chuyện phi lý trên đây, đã được xây dựng thành một giáo lý mà ta thường được nghe giảng dạy. Giáo lý xưa ấy tóm tắt như sau :
Có cứu chuộc vì loài người đã phạm tội, mà lại phạm đến Thiên Chúa, Đấng Cao trọng vô cùng, thì đó là một tội nặng và lớn lao hết sức. Làm sao con người là loài phàm hèn có thể đền tội cho xứng. Vậy phải có một người nào lập một công nghiệp lớn lao vô cùng mới đền nổi. Đó chính là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Ngài phải xuống thế làm người với tư cách là Thiên Chúa thì mọi việc Ngài làm đều giá trị vô cùng ; còn với tư cách là người trong nhân loại, Ngài đứng ra đền thay cho loài người là các em của Ngài. Đức Giêsu có thể làm một việc nhỏ cũng đủ đền tội cho ta, vì dù nhỏ, việc Ngài làm cũng có giá trị vô cùng, nhưng để cho thấy sự công bình, thẳng nhặt của Thiên Chúa và cho thấy tội của loài người xúc phạm đến Thiên Chúa lớn lao chừng nào, thì Đức Giêsu phải hi sinh chịu nạn, chịu chết vô cùng đau đớn, sỉ nhục, mà đặt vào cán cân công bằng Thiên Chúa : như thế là tội được đền, giá cả sòng phẳng, làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thỏa mãn sự công bằng của Người : thế là loài người chuộc tội đúng pháp lý vậy.
Giáo lý ấy đặt nặng tính cách pháp lý, song ta phải nhận rằng : nghe thì mạch lạc lắm, nhưng nếu phân tách kỹ và đem đối chiếu với Kinh Thánh, thì nó tỏ ra rất khiếm khuyết, không thể chấp nhận được.
1/ Khiếm khuyết trước nhất là coi việc cứu độ chỉ như để làm thỏa cơn giận của Chúa một cách công bằng, qua việc đền tội thay cho ta. Có vẻ có sự báo thù nào đó : “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Mt 5.38). Thiên Chúa bị xúc phạm bởi tội, thì phải làm nguôi giận Người bằng một cái chết của kẻ xúc phạm (Chúa Giêsu chịu chết thay cho ta), thế là thỏa mãn, công bằng : thật ngược với lời dạy tha thứ... Ơn cứu độ đâu có nguyên chỉ là từng đó, mà còn là một cái gì tích cực hơn nhiều, quí giá hơn nhiều : là tha thứ và ban cho ta sự sống Thiên Chúa. Đây lời Kinh Thánh dạy :
“Khi xưa, ta còn sống theo xác thịt tội lỗi, thì các dục tình tội lỗi hoạt động nơi thân mình ta phát sinh ra những hậu quả là sự chết ; nhưng nay, nhờ thân mình Chúa Kitô hi sinh chịu chết, thì anh em thuộc về Ngài, cốt để ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa” (Rm 7.4).
“Những ai chiều theo xác thịt, thì thích thú những điều xác thịt, những ai theo Thần Khí, thì thích thú những điều thuộc Thần Khí. Nhưng thích thú những điều xác thịt là chết, còn thích thú những điều Thần Khí là sống và bình an” (Rm 8.5-6). “Khi Đấng cứu thoát ta hiển linh, thì Người đã cứu ta... nhờ phép Rửa tái sinh và sự canh tân đổi mới của Chúa Thánh Thần” (Tt 3.4-5).
Xét như vậy, việc cứu chữa không phải là một sự mua chuộc đơn giản, trả giá sòng phẳng là xong, nhưng là một cuộc biến đổi toàn diện con người cũ, chiều theo tính xác thịt, các đam mê tội lỗi, mà được sự sống mới : con người cũ phải bị diệt cho chết đi, để cho con người mới sống ở đó, đúng như Thánh Phaolô nói : “Tôi sống, nhưng từ nay không còn phải tôi (= con người cũ của tôi), nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2.20).
Vì tội là gì ? Là thiếu mất sự sống của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy : “Mọi người đều đã phạm tội và khuyết mất vinh quang Thiên Chúa”. Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống bên trong của Thiên Chúa. Như thế, làm sao loài người có thể trả giá để mua hoặc chuộc lại, trừ phi chính Thiên Chúa ban lại và cho ta nhập vào lại trong vinh quang của Người. Cho nên, Đức Giêsu đã xuống thế, đã sống vâng phục Cha mọi đàng (cho đến chết cũng vâng), chứ không sống theo tính xác thịt. Ngài đã nên người đầu tiên thánh thiện, thành toàn, đẹp ý Cha, để cho ta nhập vào Ngài bởi tin, ta được thông chia sự thánh thiện của Ngài (Hr 5.8t; Ph 2.9) .
2/ Vả lại, nếu nói chuộc lại bằng một giá, thì giá ấy sẽ trả vào tay ai ? Có một thời, người ta đưa ra câu trả lời khá kỳ quặc : trả giá cho ma quỉ, kẻ đang cầm giữ ta làm nô lệ. Lời giải này phải bỏ, vì tính chất kỳ quái của nó. Thiên Chúa không thể mắc nợ gì với nó mà Chúa Giêsu phải trả cho nó. Cho nên, chúng tôi xin nhắc lại điều đã nói trên : trả giá chuộc chỉ là một hình ảnh, cốt ý nói việc cứu chuộc đã được thực hiện với giá lớn lao, cực khổ thế nào.
Có người khác lại nói : trả giá cho Chúa Cha, để làm thỏa mãn công bằng, làm nguôi cơn giận Người và kéo xuống trên chúng ta ơn huệ của Người. Lời giải này nghĩ Thiên Chúa giống như các thần minh ngoại đạo, do ảnh hưởng ngoại giáo tiêm nhiễm vào đạo Kitô, những ông thầy ấy được cúng tế ngon lành thì thôi, chứ tế lễ không đủ thì giận dữ, phá phách, cho ôn dịch, mất mùa... Nghĩ theo kiểu đó, chẳng khác gì coi Thiên Chúa là một tên bạo chúa tàn ác, mà Đức Giêsu phải mua chuộc bằng quà cáp, tặng vật, lễ vật, không thì Người nổi cơn lôi đình lên lại khốn. Kinh Thánh không dạy ta như vậy, trái lại, dạy ta rằng : Thiên Chúa là Cha mong con hoang đàng trở về, và Người là Đấng đã yêu thương ta trước (1Ga 4.10). Câu khẳng định này của Kinh Thánh thật rõ ràng : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4.8,16).
Chính Thiên Chúa đã chọn ta từ trước khi tạo thiên lập địa (Ep 1.4), tức là trước khi ta sinh ra trên đời, trước cả khi ta phạm tội hay lập công phúc gì. Chẳng lẽ các câu Kinh Thánh ấy là nói xạo ? Vậy, Thiên Chúa đã yêu thương ta trước và muốn chọn ta để ban sự sống cho ta trước, chứ đâu có chờ đến sau khi ta phạm tội, đền tội làm nguôi cơn giận của Người, rồi Người mới thương ta.
Mà ngay cả việc sai Đức Giêsu đến thế gian để dạy dỗ ta và chịu chết cho ta, cũng là sáng kiến của Thiên Chúa nghĩ ra trước. Lời Kinh Thánh dạy : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã thí ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Người Con này, thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời”.
Bài học hôm nay hơi khó, song rất cần thiết, giúp ta hiểu đúng hơn ơn cứu chuộc. Kỳ sau, chúng ta sẽ xem : cứu chuộc là sự biến đổi, vậy biến đổi cái gì và thế nào. Kỳ này, chỉ cần ta hiểu là cứu chuộc không phải là trả một giá, theo pháp lý, thế là xong, sòng phẳng rồi. Quan niệm này chỉ là một hình ảnh thô thiển và không nói đúng thực chất của ơn cứu chuộc.
Tích truyện
Thằng quỉ làm dấu thánh giá
Va-len mồ côi cha từ lúc lên năm, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày, cậu phải vào các tiệm ăn đánh giầy cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu thánh giá tỏ lòng cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế, nhiều lần to nhỏ chê bai :
- Gạo thì không lo mà lo giữ đạo !
Mặc kệ, Va-len vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy. Đức Khổng Tử đã chẳng nói : “Học đạo ba năm mà không lo đến cơm gạo có thể thiếu, thật người đó hiếm có !”
Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố mượn đóng vai thằng quỉ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt. Sang màn hai, trời đột ngột đổ mưa, sấm sét ầm ầm. Như bao lần trước, “thằng quỉ” trên sân khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quì gối làm dấu thánh giá. Khán giả cười rộ lên, tưởng thằng quỉ làm hề, không ngờ Va-len cầu nguyện thật.
Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Va-len ăn học. Đến sau, Va-len đỗ tiến sĩ lúc 30 tuổi.
***************************************
BÀI LỜI CHÚA 74BIS
Hãy đến cùng Giuse !
Trích tóm tắt sách Khởi Nguyên, ch.37-50
Cậu Giuse, con cưng của Tổ phụ Giacob, bị anh em ghen tức, lập mưu giết. May thay, nhờ một người anh là Ruben thương tình, khuyên các người kia đừng giết, hãy vứt vào giếng cạn. Có đoàn lái buôn đi qua đó, sang Ai cập buôn bán, họ bán Giuse để cậu phải sang làm nô lệ bên xứ người. Trong cuộc đời lận đận, long đong, ba chìm bảy nổi bên đất khách, Giuse vẫn một mực trung tín thờ Chúa, nên được Chúa che chở ; hơn nữa còn cất nhắc cậu lên làm chức sang quí nhất bên Ai cập.
Đó là có một lần kia, Vua Pha-ra-ô nằm mơ thấy bảy con bò mập, sau đó bị bảy con bò ốm ở dưới sông lên ăn thịt chết hết, rồi vua lại thấy bảy bông lúa mập, bị bảy bông lúa lép nuốt chửng. Không ai trong nước Ai cập giải được, kể cả các bậc quân sư, chiêm gia, phù thủy, bác học... Lúc ấy, Giuse còn đang bị tù, có ông quan nhớ đến, liền tâu Vua cho gọi vào triều giải mộng.
Giuse được Chúa ban ơn khôn ngoan đã giải như sau :
- Tâu Hoàng thượng, đó là điềm Thiên Chúa cho biết 7 năm tới sẽ được mùa, lúc đó Hoàng thượng thấy 7 con bò mập, 7 gié lúa mập. Khi 7 con bò gầy, 7 gié lúa lép lên nuốt chửng các cái trước, đó là sau 7 năm được mùa sẽ kế tiếp 7 năm mất mùa, hạn hán khủng khiếp chưa từng thấy trong nước. Xin Hoàng thượng cấp tốc đặt vị Thừa tướng tài giỏi lo thu các lúa thóc, ngũ cốc 7 năm được mùa, hầu khi đến 7 năm đói kém lấy ra mà phân phát cho dân.
Vua liền phán :
- Còn ai tài trí, giỏi giang hơn nhà ngươi, vì chỉ có nhà ngươi giải được điềm mộng. Vậy Trẫm đặt nhà ngươi lên chức Tể tướng để lo làm việc ấy.
Quả nhiên xảy ra đúng như Giuse đã giải điềm mộng : sau 7 năm được mùa, là 7 năm đói kém, mất mùa khủng khiếp. Nhưng Giuse đã tích trữ trong các kho lớn đủ hết thóc lúa rồi, nên khi dân đói đến kêu xin Vua, Vua bảo họ :
- Hãy đến cùng Tể tướng Giuse ! Ông ấy sẽ phát lúa gạo cho.
Nhờ đó dân khỏi chết. Ngay cả anh em của Giuse bên nước Ca-na-an cũng bị hạn hán, đói kém, nghe tin bên nước Ai cập có bán thóc lúa, liền kéo nhau sang mua. Sang đến nơi, Giuse phát cho tràn trề thóc lúa mang về. Sau đó, có lần kia Giuse tỏ mình cho biết : ông là anh em của họ. Họ sợ quá ! Vì Giuse bây giờ làm lớn sẽ báo thù. Song ông Giuse nói :
- Đừng sợ ! Các người mưu sự dữ hại tôi, nhưng Thiên Chúa lại mưu biến dữ hóa lành, để làm ra như anh em thấy hôm nay : tôi làm Tể Tướng, ban phát thóc lúa và mọi bổng lộc cho anh em. Như thế là Chúa đặt tôi lên để cứu sống cả một dân lớn khỏi chết mà còn được sung sướng nữa !
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Ông Tể Tướng Giuse phân phát lúa thóc cho dân khỏi chết đói, đó là hình bóng Chúa Giêsu phân phát sự sống cho muôn người thế gian khỏi chết. Vua Pha-ra-ô nói với dân đang đói sắp chết : “Hãy đến cùng Giuse !”, thì Chúa Cha cũng nói với mọi người : “Hãy đến với Chúa Giêsu !”. Vì sao ? Vì Thánh Phaolô dạy : “Vì ở trong Đức Giêsu có tất cả sự sung mãn thần tính Thiên Chúa, giàu có, phong phú vô cùng, và anh em cứ đến với Ngài là anh em sẽ được dư dật mọi sự” (Col 2.9). Cũng như ông Giuse, Chúa Giêsu đã tích chứa tất cả ơn cứu độ và mọi ơn phúc cho ta trong kho lẫm vô cùng bao la, rộng lớn là thân mình phục sinh vinh hiển của Ngài. Ta đến cùng Ngài, như xưa dân đến cùng ông Giuse, là được Chúa phân phát cho ta dư đầy mọi sự ! Đó là kế hoạch mới ban ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói kế hoạch mới, tức là đã có một kế hoạch cũ. Kế hoạch cũ là thế nào ? Kế hoạch mới là làm sao ?
1/ Kế hoạch cũ : Nói theo tiếng đời này là phương án cũ. Phương án cũ này như sau : Ngày xưa, Thiên Chúa cứ ở trên trời. Người dựng nên loài người, rồi ban cho loài người bộ luật chỉ dạy phải làm lành lánh dữ. Rồi Người ngồi chờ, khi họ chết là đến trước mặt Người chịu phán xét : Ai giữ trọn luật, Người xét sổ thấy đủ công đức, Người cho vào thiên đàng, được sống đời đời ; ai không giữ đủ luật, phạm tội, Người phán xét, thấy tội lỗi là cho xuống hỏa ngục khổ hình đời đời. Người chọn một thí điểm, đó là dân Do thái, một dân riêng. Người ban cho họ một bộ luật rất tinh vi, đầy đủ, để xem có giữ được không? Nhưng Thiên Chúa thấy rằng : cuối cùng, chẳng mấy ai giữ được. Người sai các tiên tri đến thúc giục, trách mắng, khuyên bảo. Vô ích ! Từ vua chí dân đều phạm đủ giống tội, nào thờ tà thần, ngẫu tượng, bói toán, dị đoan ; nào bất công, ghen ghét, hằn thù, áp chế nhau, kẻ lớn làm giàu trên xương máu kẻ nghèo hèn. Nói chi đến dân ngoại, thôi thì đủ thứ tội lỗi ghê tởm. Chúa có ban cho họ luật lương tâm, mà chẳng ai nghe, cứ một mực làm sự dữ. Chúa cũng ban cho nhiều dân ngoại có những luật đạo, chẳng hạn như bên Á đông có đạo Khổng, đạo Lão... ; bên Ấn độ có đạo Bà la môn, đạo Phật..., cũng chẳng ăn thua gì. Thánh Phaolô đã duyệt qua tình trạng tất cả các dân tộc, Ngài nhận định : Dân ngoại cũng theo đàng tội lỗi ghê gớm, dân Do thái trong Cựu Ước dù có luật Môsê cũng tội lỗi. Tất cả đều mắc án của Thiên Chúa (xem thư Rm 1.18-3.20). Cuối cùng, Thánh Phaolô kết luận : “Nếu cứ theo luật, mà phán xét xem ai có công, ai có tội, thì tất cả loài người không ai được gọi là sạch tội, và đáng được coi là công chính trước mặt Thiên Chúa cả” (Rm 3.20).
Lúc ấy, Thiên Chúa mới cứu xét lại, rút kinh nghiệm. Chúa thấy phương án cũ ấy không thành công. Chúa bèn lập một phương án mới (kế hoạch mới). Lần này chắc chắn thành công.
2/ Kế hoạch mới : Phương án mới ấy được Thánh Phaolô, khi suy gẫm về Chúa Giêsu và công trình cứu độ của Ngài, ông mới trình bày như sau (Rm 3.21-26) : “Nay, kể từ nay, không tùy vào luật nào nữa, bãi bỏ kế hoạch dùng luật ban xuống để người ta giữ mà được cứu, như thế không thành, Thiên Chúa dùng kế hoạch mới là ban ơn cứu độ cho ai tin vào Đức Giêsu Kitô, không phân biệt dân riêng, dân chung gì cả, không phân biệt Do thái hay dân ngoại, có đạo hay không có đạo : hễ ai tin vào Đức Giêsu Kitô, thì được xóa sạch tội, được kể là công chính cách nhưng không, không đòi họ có công giữ trọn luật hay không, tức là vô điều kiện. Hễ ai tin, thì được nhập vào trong Đức Giêsu, mà thông chia ơn nghĩa dư đầy của Ngài (anh chị em nhớ đến kho lúa dư đầy của ông Giuse), vì trong Ngài, công cuộc cứu chuộc đã thực hiện xong rồi ! Chỉ cần ta đến với Đức Giêsu bằng lòng tin (tức giống như đến cùng ông Giuse) là được Đức Giêsu phân phát cho mọi ơn cứu độ, đầy tràn chan chứa (giống như ông Tể tướng Giuse phân phát các kho lẫm lúa thóc, ngũ cốc cho ai đói khát).
- Vậy vấn đề cốt tử bây giờ cho ta, và cho hết mọi người là tìm cho được Đức Giêsu, trong Ngài đã chứa sẵn ơn cứu độ, và Ngài hết tình thương ta, sẵn lòng ban phát cho ta - (Ngài tích để làm gì nếu chẳng phải để ban ra) - Tìm được rồi, cái cần là nhập vào Ngài, vì kho lẫm tích ơn nằm trong thân mình Ngài : như Thánh Phaolô nói trên đầu : “Có ở trong Ngài tất cả sự sung mãn thần tính Thiên Chúa và ai vào trong Ngài thì được múc đầy dư dật”.
3/ Bây giờ thử hỏi : Làm sao nhập vào trong Đức Giêsu ? bằng cách nào ? Ở các bài Lời Chúa khác, có dẫn giải rồi ; đây chỉ xin nói phớt qua ! Thánh Phaolô dạy : “Khi bằng lòng chịu phép Thanh tẩy là anh em được dìm vào trong sự chết với Chúa Kitô, để được cùng thông chia sự sống lại trong một cuộc đời mới với Ngài (Rm 6.3tt) và được dẫy tràn mọi ơn” (Rm 5.15-19). Câu của Thánh Phaolô nói trên nêu ra cách thức để nhập vào thân mình Đức Kitô : đó là chịu Thanh tẩy.
Có một câu của Đức Giêsu cho ta biết một cách nữa để nhập vào và ở trong Đức Giêsu : “Con không chỉ cầu cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho những kẻ nhờ lời chúng rao giảng mà tin vào Con, để hết thảy chúng nên một ở trong chúng ta” (Ga 17.20-21). Như thế, tin vào Con (tức Đức Giêsu, Con Chúa Cha), thì ta nên một và được ở trong Thiên Chúa.
Xem ra có vẻ có hai cách nhập vào trong Đức Giêsu, kỳ thực hai cách đó liên kết với nhau gần như thành một. Lấy ví dụ về phép Thanh tẩy. Chịu thanh tẩy là chịu với lòng tin, nếu không thì vô ích. Trước mặt loài người, ta có vẻ là có đạo, kỳ thực ta vẫn chưa, và ta không được nhập vào Thân mình Đức Giêsu.
Chính Đức Giêsu đã truyền cho các Tông đồ rằng : “Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu” (Mc 16.16). Rõ ràng Đức Giêsu gắn liền tin với chịu phép Rửa, nhờ đó mới được cứu, tức là cứu khỏi chết đói, chết khát phần hồn, mà được no đầy ơn phúc của Chúa.
4/ Có người nói : sao dễ vậy ? Chỉ cần tin và chịu phép Rửa thôi sao ? Không cần lập công, giữ trọn luật, ăn chay, đền tội gì cả sao ?
Đáp : Dễ vậy đó, đơn sơ vậy đó. Không cần gì khác. Giả sử ai trong anh chị em tin Chúa tự đáy lòng và chịu phép rửa. Vừa xong, chết ngay, thì lên thiên đàng thẳng cánh. Đây xin lấy Phúc Âm ra minh chứng. Anh chị em còn nhớ người trộm lành không ? Cho đến lúc bị đóng đinh bên cạnh Đức Giêsu, anh ta có lập công, đền tội, giữ luật gì đâu ! Trái lại, anh ta bị xử tử, vì anh ta mắc bao nhiêu tội, cướp của, giết người... Phúc Âm gọi anh ta là tên cướp, tên gian phi. Ấy thế mà anh chỉ vỏn vẹn làm một hành vi đạo đức, tin Đức Giêsu vô tội, Đức Giêsu không thể chết, Ngài sẽ vào Nước Ngài, Ngài đúng là Đấng Cứu Thế và xin Ngài nhớ đến anh. Thế là Chúa liền hứa : “Hôm nay, ngươi sẽ lên thiên đàng làm một với Ta”. Đức Giêsu phong thánh cho anh ngay tại trận, cho anh được hưởng đầy ơn sự sống và sống đời đời, ngay tức khắc ! Kế hoạch mới dễ như thế đó ! Ta phải cảm tạ Chúa, vì lòng Chúa vô cùng tốt lành. Phải ca ngợi Chúa vì kế hoạch mới của Chúa thật diệu kỳ. Vậy cuộc đời ta chẳng lo việc gì khác, ngoài việc lo tin Chúa, tin hết lòng, tin tự đáy lòng, trông cậy vào một mình Chúa về hết mọi sự. Phép Rửa, ta đã chịu một lần rồi, ta không cần chịu lại nữa. Đức tin sẽ làm Phép Rửa sống động lại như mới.
Tích truyện
Bên nhà hàng xóm tôi, có một người đang hấp hối trên giường bệnh. Chúng tôi cùng vợ con ông ta đứng quanh giường để dò ý xem ông ra làm sao, vì bác sĩ nói giờ cuối cùng đã đến. Thình lình, người hấp hối mở mắt nhìn chúng tôi cách ngạc nhiên pha lẫn ngờ vực, sợ sệt, rồi ráng hết sức thốt ra vài tiếng vô nghĩa :
- Ái úi ! Ái úi !
Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, chưa hiểu ra sao, không biết ông ta định trối trăng điều gì, thì ông ta lại lắp bắp, chân tay quờ quạng :
- Ái úi ! Ái úi !
Ý chừng hiểu ý chồng, chị vợ chạy lại bên cái tủ lớn, lục lạo hồi lâu, tìm được chìa khóa giấu kỹ và mở tủ, lấy ra một cái túi bằng vải thô, buộc chặt, rồi mang đến cho chồng. Té ra, chị hiểu người hấp hối đòi lấy cái túi đưa cho ông ta. Đó là vật mà ông ta cố đòi cho kỳ được trong phút cuối cùng. Suốt đời chỉ lo nhặt nhạnh, tích trữ bạc vàng cho đầy cái túi đó... Ông ta thò tay vào cách thèm thuồng, rồi lôi ra những đồng tiền vàng, bạc, nhẫn, xuyến... nhưng chúng luồn qua khe tay, không sao nắm lại được... Ông ta mân mê sờ mó những đồng tiền yêu quí..., chúng rớt lung tung, quanh mình ông, trên giường, cả trên thân thể gầy trơ xương của ông ta...
Mặt ông bỗng co rút lại trông ghê sợ. Ông ta cố ôm ghì lấy cái túi vào ngực, rồi tắt thở, không có một lời nào trối lại với người nhà để tỏ lòng thương yêu, nhớ tiếc... Trên giường rải rác những vàng và chỉ còn trơ ra cái thây ma lạnh lẽo... ! Có lời ĐY dạy trong dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc : “Đồ ngốc ! Hôm nay ta đòi ngươi trả lại hồn ngươi cho Ta, thì mọi của cải ngươi thu tích kia sẽ thuộc về ai ? Như thế đó, thật ngu ngốc cho kẻ chỉ lo chất kho tàng đời này mà không biết làm giàu cho mình nơi Thiên Chúa”, không biết đến múc nơi Thiên Chúa sự giàu có cho hồn mình !
- Thư Viện: