Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 064

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  64

 

Lãnh hay tham gia

 

Trích sách Xuất hành, ch.14 (tiếp)

 

Có tin báo cho Vua Ai cập là dân Israen đã chạy trốn rồi. Bấy giờ, vua Pha-ra-ông đổi lòng :

 

-     Tại sao ta lại thả Israen ra đi để chúng khỏi làm tôi ta ?

 

Ông cho thắng xe trận, điểm 600 chiến xa và kỵ binh đuổi theo... Đang khi đó, Israen đã đến gần biển, thấy dân Ai cập đuổi đến nơi thì khiếp sợ quá đỗi, và đã kêu lên Yavê... Yavê phán với Môsê :

 

-     Hãy bảo con cái Israen cứ trẩy đi, còn ngươi hãy nâng gậy lên..., hãy rẽ nước biển làm hai, cho chúng nó đi vào lòng biển chân khô ráo...”

 

Môsê giơ gậy trên biển... và Yavê đã làm cho nước rẽ thành hai. Nước đã nên như tường thành hai bên tả hữu : Israen đi vào trong lòng biển, chân khô ráo. Quân Ai cập thốc đuổi cũng vào theo sau tận trong lòng biển. Và xảy ra là vào lối sáng sớm, Yavê trên cột lửa và mây, ngó sang phía quân Ai cập, và gieo tán loạn... làm xiêu vẹo bánh xe chúng và chúng phải vất vả đẩy xe đi. Thấy vậy, chúng bảo nhau :

 

-     Chết ta rồi, Yavê, Chúa chúng thờ đang chiến đấu bênh vực chúng chống lại ta. Hãy mau chạy trốn !

 

Nhưng không kịp nữa rồi ! Yavê đã dạy Môsê cầm gậy giơ trên biển, và biển đã ập lại như cũ, nhận chìm xe trận và kỵ binh, không còn mống nào sống sót.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Ta vừa nghe : dân Israen tin cậy vào Chúa, nghe theo lệnh Chúa đi vào lòng biển không nao núng... và đã được cứu thoát. Đó là điều ta học hôm nay, phải đi vào trong đường Chúa bày sẵn cho ta mới được cứu. Ở đây, con đường Chúa bày ra là các Bí Tích. Nhưng ta hãy đi từ đầu : tại sao Chúa lại bày ra các Bí Tích ?

 

1/  Hồi nguyên thủy, khi tất cả trời đất và muôn vật còn phục tùng Thiên Chúa, tuân theo các luật của Người, lúc ấy, Thiên Chúa trị vì trên tất cả loài người cũng như thiên nhiên, trật tự được ổn định. Đó là thời hoàng kim, muôn vật đều được yên ổn và loài người hoàn toàn hạnh phúc, vì sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa, hòa thuận với nhau.

 

Nhưng từ khi ma quỉ xuất hiện, xúi giục họ và họ đã dại dột nghe theo mà bất tuân ý Chúa, phản nghịch với Thiên Chúa (được Kinh Thánh mô tả bằng câu chuyện ăn trái cấm). Từ đó, mọi sự đã bị đảo lộn : con người từ chối không chịu vâng phục, tức là từ chối quyền trị vì của Chúa, họ đã bị án phạt : không những mất tình nghĩa với Chúa, mà còn phải chết, phải làm lụng vất vả, chịu nhiều đau đớn, cực khổ... Nói tóm là mất ơn cứu độ, mất hạnh phúc đời này và đời sau. - Tình cảnh kể trên của loài người được minh họa trong sự tích Quả dưa hấu, đã chiếu trên màn ảnh nhỏ cách đây không lâu. Tương truyền Thái Tử An Tiêm đang sống sung sướng trong Hoàng cung, được Vua Cha yêu quí. Nhưng có hai ông quan ghen tị, rình dịp làm hại. Một hôm, Vua Cha muốn tuyển hoàng tử nào xứng đáng nhất để truyền ngôi. An Tiêm được trúng tuyển. Để làm bằng, Vua Hùng Vương trao cho chàng thanh bảo kiếm. Nhưng chàng không nhận vì xét mình bất xứng. Hai ông quan kia đem câu chuyện xuyên tạc đi, rồi mách lại với Vua. Vua Hùng Vương nổi giận, truất hết mọi công danh, phú quí và đày An Tiêm ra một đảo hoang vu, cằn cỗi để lao động cực nhọc và chết ở đó, vì Vua Cha cho rằng chàng đã bất phục tùng. Sau nhờ trồng được quả dưa hấu, nên đã được cứu.

 

Câu chuyện cho thấy bất phục tùng, phản nghịch gây nên bất hạnh đến chừng nào.

 

Trở lại tình trạng khốn đốn của nhân loại, ta sẽ hỏi : Có ai đứng ra làm trung gian phục hồi lại địa vị hạnh phúc cũ cho nhân loại không ? Thưa : có ! Đó là Đức Giêsu Kitô !

 

2/  Công việc của Đức Giêsu sẽ làm là : thiết lập lại trật tự đã đổ vỡ, phục hồi lại quyền trị vì của Thiên Chúa bằng hai mặt :

 

-    Đối với ma quỉ : Ngài tiêu diệt các ảnh hưởng, các quyền lực của chúng.

 

-    Đối với loài người : Gỡ họ ra khỏi quyền lực của ma quỉ, đem họ trở về phục tùng Thiên Chúa, được ơn tha thứ, được lại ơn nghĩa với Thiên Chúa, và được hạnh phúc.

 

  •              Đức Giêsu dùng việc gì để thực hiện công trình lớn lao ấy ? Thưa : bằng lời giảng dạy chân lý Nước Trời và nhất là bằng cuộc Tử nạn làm lễ hi sinh đền tội, và sau đó là bằng sự sống lại để ban sự sống thần linh. Rồi Chúa gói ghém tất cả công cuộc ấy trong các Bí Tích, để ai đến lãnh thì được cứu độ. Có điều là Đức Giêsu thực hiện việc phục hồi và giảng hòa đó giúp ta, nhưng không làm thay thế ta, để ta chỉ ngồi chờ ơn tha thứ rớt từ trời xuống. Nói thế không ngoa đâu ! Chẳng phải từ trước đến nay, hầu hết chúng ta đều nghĩ như thế  sap ? Chẳng phải ta vẫn coi các Bí Tích như các máng chuyển ơn xuống cho ta, và ta chỉ việc ngồi chờ lãnh mà thôi sao ?

 

Vậy đúng hơn, ta phải tham gia, phải đi vào, phải thông dự vào cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, ở trong đó, ta được gặp Chúa Cha, lãnh ơn tha thứ, được giảng hòa, được cứu độ. Cứ lấy câu chuyện An Tiêm trên kia làm ví dụ. Khi chàng đang bị đầy ải nơi đảo hoang vu ấy, mà giả tỉ có ai đứng ra làm trung gian đến xin Vua Hùng Vương tha tội cho, thì người đó sẽ dẫn chàng đi cùng mình đến đền Vua, vào gặp Vua mà quì phục xuống xin ơn tha thứ.

 

Đây cũng vậy, Đức Giêsu đã dùng sự chết và phục sinh mà giảng hòa ta với Thiên Chúa, Ngài sẽ dẫn dắt ta vào cùng gặp Chúa Cha, quì phục xuống lãnh ơn tha thứ, ơn cứu độ. Nói bóng bẩy như thế chỉ cốt để bảo rằng : ta phải tham gia, thông dự vào sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, khi ta lãnh các Bí Tích. Bí Tích nào cũng vậy, song ở Bí Tích Rửa tội thì rõ rệt hơn cả. Đây ta hãy nghe Thánh Kinh dạy về điều ấy : “Chẳng lẽ anh em không biết rằng : khi ta chịu phép Rửa tội, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được dìm vào ư? Vậy khi ta chịu Rửa tội là ta vào nằm trong mồ đá để được mai táng làm một với Chúa Giêsu trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, khi Ngài được quyền phép của Chúa Cha làm cho sống lại ra khỏi mồ đá, thì cả ta nữa, ta cũng được ngoi lên khỏi mồ đá sự chết, mà bước đi trong đời sống mới” (Rm 6.3-4).

 

Rồi Thánh Kinh kết luận : “Nếu ta có cùng vào chịu chết với Chúa Giêsu như thế, thì ta mới sẽ được cùng sống lại với Ngài”, mới được ơn tha thứ tội, được giảng hòa, được ơn nghĩa với Chúa (Rm 6.5).

 

Đó, anh chị em thấy rõ chưa ? Chịu Bí Tích là thông dự, là tham gia vào cái chết và sống lại của Chúa Kitô như thế, chứ có đâu chỉ là một sự thụ động, chờ lãnh một cái ơn, y như thể lãnh một thùng quà của ngoại quốc gửi về !

 

Trong bài Kinh Thánh hôm nay ta đọc trên đầu, Chúa cũng dạy về sự tham gia ấy : dân Israen đang nguy ngập, thấy cái chết ập đến sau lưng : quân đội Ai cập đuổi đến nơi, trước mặt có biển chắn ngang. Họ đã kêu van Thiên Chúa, Chúa đã nhậm lời, bảo Môsê giơ tay cầm gậy lên rẽ biển thành hai cho dân đi vào ráo chân. Giả sử thấy lòng biển rẽ ra, hai bên nước dựng đứng như tường thành, họ đâm sợ mà không dám đi vào, vì sợ nhỡ nước ập xuống đè chết, thì họ đâu có được cứu thoát ! Họ phải vâng lời Chúa, tin cậy vào lòng lành của Chúa, vào quyền phép Người mà đi vào lòng biển, chẳng khác gì đi vào sự chết ; nhờ đó họ mới sang đến bờ bên kia mà sống, còn dân Ai cập, thì bị Môsê giơ gậy cho biển ập vào chết không còn một mống.

 

Ở những kỳ sau, ta sẽ học hỏi : Tham gia và thông dự vào cái chết và phục sinh ấy như thế nào, cách nào ?

 

Ở bài hôm nay, tạm thời chúng ta rút ra một điều thực hành về sự tham gia ấy như sau : khi đi chịu bất kỳ Bí Tích nào : phép Giải tội, phép Mình Thánh, Rước lễ, Thánh Lễ..., ta hãy giục lòng tin rằng:

 

 “Lạy Chúa Cha, con cùng Chúa Kitô đi vào gặp Cha trong Bí Tích mầu nhiệm này đây ! Con tin chắc con sẽ được Cha ban cho con sự sống của Cha !”

 

 

Tích truyện

 

Xưa bên Tàu có một ông vua bị một người em âm mưu cướp ngôi. Thất thế, vua phải cùng quần thần chạy trốn, bỏ hoàng cung, phi tần, mỹ nữ, gấm vóc lụa là, yến tiệc, giàu sang phú quí... Người em lên ngôi, liền đem quân đuổi theo để tróc nã cho kỳ giết được mới thôi. Vua anh chạy trốn ngày này đến ngày nọ. Vì quá lâu và gian nan tân khổ, cho nên các quần thần dần dần nản chí, bỏ trốn hầu hết, chỉ còn vài người hết sức trung thành, quyết theo phò giá cho đến cùng. Có ngày chạy lạc vào rừng, không còn gì ăn, vua tôi đều đói lả. Cả khi đi săn bắn về chẳng được con gì. Chẳng lẽ để vua chết đói sao ? Thế rồi, đến bữa, vua bỗng thấy được ăn một bát cháo thịt rất ngon. Mãi mấy ngày sau, vua mới biết là có một trong mấy trung thần cùng theo vua trong gian khổ, đã thương vua, nên cắt thịt đùi nấu cháo vua ăn. Vua vô cùng cảm động. Đến sau, nhờ hồng phúc tổ tiên, Vua đã tập trung được quân đội, kêu gọi người hiền tướng giỏi. Nhiều binh tướng trước kia theo người em chiếm ngôi, nay thấy Vua em càng ngày càng lộ chân tướng tàn ác, hoang dâm, nên đã quay về với Vua anh... Chẳng bao lâu, thế quân đã mạnh, Vua anh bèn đem quân sĩ về đánh chiếm lại ngai vàng. Lúc khải hoàn, người được Vua khen thưởng trước tiên không phải là vị nguyên soái đã chiếm lại được Kinh đô, mà là vị trung thần đã xả thịt nấu cháo Vua ăn :

 

-     Năm trước, đang khi mọi người bỏ Trẫm vì không chịu nổi cảnh nằm gai nếm mật, chỉ có khanh và vài quần thần nữa vẫn cứ một dạ trung quân theo Trẫm. Hơn nữa, ngày Trẫm lâm nạn, không còn lương khô, đói khát trong rừng sâu, khanh đã không tiếc thân xẻ thịt mình nấu cháo cho Trẫm ăn. Nhờ lòng trung nghĩa của khanh, nhờ sự hi sinh của khanh, mà hôm nay Trẫm mới lấy lại được ngôi của Tiên Đế. Nhờ những hi sinh cao cả ấy mà hôm nay mới có ngày vinh quang. Vậy thì khi gian nan, khanh đã đồng cam khổ, thì lẽ tất nhiên ngày nay Trẫm ngự ngai cửu trùng vinh hiển, khanh cũng phải được chung phần vinh hoa phú quí với Trẫm.

 

Sau đó, Vua đã thăng thưởng cho quan ấy công hầu nhất phẩm triều đình, xây cho một dinh cơ đồ sộ, với gấm vóc lụa là ngàn tấm, bạc vàng mấy ngàn lượng, cùng lộng vàng, cờ quạt và tướng sĩ, kẻ hầu người hạ vô vàn vô số.

 

Như vậy đó, phải đồng cam thống khổ mới đồng dự vinh quang.