Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 073

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  73

 

Tội nguyên tổ

 

Trước khi học Bí Tích Rửa tội, hoặc văn vẻ hơn : Bí Tích Thanh tẩy (đừng đọc là Thánh tẩy), ta phải tìm hiểu tội tổ tông đã, vì Phép Thanh tẩy có phận sự tẩy xóa tội tổ tông và các tội mình làm.

 

Trích sách Khởi Nguyên, ch.3

 

Rắn là một vật tinh ranh hơn mọi dã thú Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà : 

 

-     Hẳn Thiên Chúa đã phán : Các ngươi không được ăn cây nào trong vườn ?

 

Người đàn bà đáp :

 

-     Quả cây trong vườn chúng tôi được ăn, chỉ trừ quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa cấm ăn, cấm sờ, kẻo phải chết.

 

Rắn nói :

 

-     Chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên, Thiên Chúa biết ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những thiên chúa biết cả tốt xấu.

 

Nghe vậy, không nhịn được tính tò mò, người đàn bà đã nhìn, thì thấy quả ăn chắc là ngon, nhìn cũng sướng mắt, nó thật đáng quí, để được tinh khôn. Thế rồi, không cầm mình nổi trước cám dỗ, bà đã hái quả mà ăn, bà cũng trao cho chồng ở bên bà, và ông đã ăn. Mắt cả hai đứa đã mở ra và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình. Chúng nghe tiếng Yavê bước đi tản bộ trong vườn lúc gió hiu hiu thổi buổi chiều hôm, và con người với vợ đi núp mình khuất mặt Yavê giữa những cây trong vườn. Yavê gọi con người mà rằng :

 

-     Ngươi ở đâu ?

 

Con người đáp :

 

-     Tôi nghe tiếng bước của Người trong vườn và tôi sợ vì tôi trần truồng, nên tôi đi núp mình đi.

 

Yavê phán :

 

-     Ai đã mách cho  ngươi biết là ngươi trần truồng ? Họa chăng là ngươi đã ăn cây Ta cấm ?

 

Và con người thưa :

 

-     Người đàn bà mà Người đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn.

 

Yavê quay sang hỏi người đàn bà :

 

-     Tại sao ngươi làm thế ?

 

Người đàn bà thưa :

 

-     Rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn !

 

Sau đó, Yavê xử phạt cả ba, và nặng nề nhất là trên con rắn.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Bài Kinh Thánh này, hầu như mọi tín hữu đều biết gần như thuộc lòng. Nhưng hiểu nó cho đúng, đã được mấy ai ?

 

Trước hết, không được hiểu đoạn văn này như là một việc tả chân đúng từng câu, từng chữ, sát nghĩa đen : con rắn là con rắn ta thường thấy, cái cây là cái cây nào đó giống các cây mà ta biết..., trái cấm là một trái cây cũng như trái táo, trái “bom”, trái ổi... Vậy phải hiểu sao ? Phải hiểu nó giống như câu chuyện ngụ ngôn, nghe kể để rút lấy cái ý muốn ám chỉ điều gì ở trong đó. Vì quả thật, chưa hề bao giờ có một con rắn lại biết nói, đó là chuyện hoang đường. Nhưng tác giả Kinh Thánh có ý ám chỉ nó là một loài quỉ quái, tinh khôn, khéo léo, biết luồn lách, và có ác tâm muốn làm hại loài người. Rắn ám chỉ về ma quỉ, hoặc một thế lực tăm tối, ác hiểm, lén lút, xúc xiểm con người làm sự trái.

 

Nhưng đàng khác, ta không được coi câu chuyện tả trên đây là hoang đường ; trái lại, ta phải nhận là có xảy ra. Nhưng vì nó là một điều bí nhiệm, nên phải dùng thể văn bình dân, tả chuyện, tả cảnh mà kể lại, nhất là cho những người bán khai sống cách đây mấy nghìn năm được dễ hiểu, dễ nhớ. Tóm lại, ta phải vượt qua các chi tiết cụ thể, vật chất, sát nghĩa đen, mà hiểu các điều ấy theo nghĩa bóng, tức ý nghĩa nhiệm mầu mà Chúa muốn dạy cho ta. Ta hãy lấy một ví dụ : ở bên tây phương, khi đứa con nít 4, 5 tuổi ngớ ngẩn hỏi mẹ nó : Con từ đâu mà sinh ra ? Ba má nó không thể nào nói cho nó về vấn đề sinh lý, việc cha mẹ giao hợp với nhau, tinh trùng gặp trứng của người nữ rồi kết thành bào thai thể nào..., cái đó quá khó đối với nó, để sau này khi nó lớn lên, đủ trí khôn, họ sẽ nói rõ. Hiện giờ phải nói bóng bẩy, bà mẹ sẽ chỉ nói : “Một hôm có con cò trắng bay trên trời, ngậm trong mỏ một cái giỏ, trong đó có con nằm, bé tí xíu, rồi con cò đậu xuống, bỏ vào bụng mẹ đây, thế là mẹ đẻ con ra, con là con bố mẹ”. Với tuổi thơ, biết từng ấy là đủ rồi. Nhưng nếu khi nó đã 20 tuổi, học đại học gì gì rồi, mà nó cứ hiểu như mẹ nó kể hồi bé, thì nó chẳng hóa ra thằng ngốc, ấu trĩ lắm sao ?

 

Ấy thế mà việc ấy lại xảy ra cho nhiều người tín hữu mới chết chứ ! Không cần nói về nhiều điều khác trong đạo, chỉ lấy một tỉ dụ là chuyện Kinh Thánh kể trên về việc ăn trái cấm, có nhiều người tín hữu nay đã trưởng thành, sống thế kỷ 20, sắp bước sang 21, mà vẫn hiểu chuyện đó như đứa con nít : là có một con rắn biết nói, có một cái cây có quả cấm (có người còn gọi đích danh nó là trái pom nữa, thật hết nước nói), rồi ăn vào, nuốt vào bụng, còn Adong thì nuốt nửa chừng đến cổ, mắc kẹt thành cục adong ở giữa cổ...

 

Đáng buồn ! Lỗi là do các Đấng giảng dạy không cắt nghĩa. Song tín hữu cũng có lỗi vì tỏ ra ít chịu khó tìm hiểu ý nghĩa đạo mình, học dăm câu sách phần, giáo lý hồi nhỏ, thế là cứ hiểu từng đó và y như thế cho đến bây giờ, đang khi các vấn đề ở đời, văn chương, khoa học, kinh tế, làm ăn, mánh lới..., thì họ chịu khó học lắm, rành lắm. Tôi nói đây là xin nhắn riêng các bạn trẻ, từ 13-14 tuổi trở lên..., hãy chịu khó học thêm giáo lý và Kinh Thánh, để đời sống đạo của các bạn càng tươi đẹp, vì có hiểu mới thích.

 

1/  Bây giờ, ta đề cập đến ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên : Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người, Người lại cho họ hưởng dùng mọi sự vật Người dựng nên, đó là ý câu : “Mọi quả cây trong vườn, chúng tôi đều được ăn. Nhưng có một thứ cây quả Thiên Chúa cấm, sờ vào, ăn vào là phải chết”. Ý nói : có một điều, con người không được chạm tới, không được chiếm lấy, nghĩa là Thiên Chúa đặt con người trong một giới hạn, không được vượt qua mà tìm cái không thuộc quyền họ, quá khả năng họ. Ở đây là cây biết tốt xấu, cái cây lạ đời này có ý ám chỉ quyền định đoạt về cái gì là tốt, là xấu cho đời mình. Quyền ấy thuộc về Thiên Chúa. Tiếm quyền ấy sẽ đem con người tới cái chết, cái hỏng cuộc đời mình.

 

a/  Quyền định đoạt về tốt xấu là thế nào ? Thưa là điều lợi hại mà chỉ mình Thiên Chúa có quyền định, ví dụ nói dối là xấu, là hại. Nhưng con người chiếm quyền ấy khi nói : Không, nói dối là tốt, là cần, nhất là khi nhờ nói dối, tôi đạt được điều tôi ước mong, nói dối có lợi cho tôi, cho nên tôi quyết định rằng đó là điều làm được và tốt (Đây là lấy ví dụ cho anh chị em dễ hiểu, chứ không phải nguyên tổ phạm có tội nói dối đó mà thôi). Làm như thế, con người đã định đoạt về tốt xấu là điều lợi hại chi phối số mệnh con người.

 

b/  Như thế, nói chung lại, con người phạm tội gì ? Cái tội này - mà đoạn Kinh Thánh mô tả cụ thể bằng việc ăn trái cấm - đó là khi tiếm quyền Thiên Chúa ấy, họ muốn bằng Thiên Chúa. Truyện kể rằng : “Các ngươi sẽ mở mắt”, tức là sẽ nên thượng trí, khôn ngoan, và “Các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa”, bằng Thiên Chúa, ngang với Thiên Chúa, thế là chẳng cần Thiên Chúa nữa, cái gì mình cũng biết được, cái gì mình cũng làm được, tốt xấu, hạnh phúc đời mình mình tự tạo lấy, đó là thiên đàng trần gian ngay đây rồi, cần gì phải cầu xin, phải tin Chúa, phải lãnh như ơn huệ của Thiên Chúa... Như thế là chối bỏ địa vị thụ tạo, tự cho mình như những Thiên Chúa, không biết ơn Chúa đã tạo dựng nên mình, chẳng biết ơn về mọi sự Thiên Chúa dựng nên trong thế giới này cho mình.

 

c/  Các Đấng giảng dạy từ xưa đến nay đều tóm tắt cái tội ấy lại bằng câu : tội kiêu ngạo ! Song không phải cái kiêu ngạo vụn vặt con nít hay xưng trong tòa, hay kiêu ngạo lẻ tẻ của ta thường ngày đối với người này, người nọ. Đây là cái thái độ kiêu ngạo tầy trời, và chống với chính Thiên Chúa nữa mới ghê chứ !

 

2/  Bây giờ, ta đến điểm hỏi rằng : Ai đã phạm tội ấy ? Lời đáp từ xưa ta vẫn được nghe dạy là một mình ông Adong và bà Eva phạm, đó là tội tổ tông, rồi truyền đến con cháu là tất cả giống dòng nhân loại. Bây giờ, ta nên hiểu rộng ra thế này : Không chỉ mình nguyên tổ phạm, mà cả chúng ta, cả nhân loại, bất cứ ai sinh ra làm người thì cũng mang lấy sẵn cái mầm mống tội ấy trong mình. Chẳng phải trong chúng ta, ai cũng có kiêu ngạo đấy ư ? Ai chẳng có cái mầm mống tôi muốn làm chủ cả mọi sự, muốn tự mình định đoạt cái tốt, cái xấu. Tỉ dụ Chúa bảo ta : không được nói dối, còn ta tự nhủ : nói dối mà không làm thiệt hại ai, thì tôi làm được. Chúa định rằng : phải tha thứ, phải yêu kẻ địch thù ! Thế mà nhiều người dám nghĩ : Chúa dạy thì Chúa cứ dạy, chứ ai mà làm được ? Làm sao tôi tha thứ được cho kẻ đã làm hại gia đình tôi, đã sỉ nhục tôi, tôi phải báo thù mới được ! Chúa dạy yêu thương ư ? Làm sao yêu kẻ thù tôi được ? Chúa dạy phải sống trong sạch, còn người có gia đình thì một vợ một chồng. Chúng ta nói : Chúa dạy điều khó ai mà giữ được..., vợ chồng không còn sống hạnh phúc với nhau thì tôi bỏ, đi lấy người khác..., sống với nhau mà như trong hỏa ngục thì sao sống nổi... Chúa khó quá, Chúa vô nhân đạo, Chúa bắt người ta phải khổ... Nói tóm : chúng ta luôn luôn ngấm ngầm chống đối, muốn đi ngược ý Chúa, muốn làm mọi sự theo ý mình : đó là tội tổ tông, nó nằm trong bản thân con người rồi ! Vậy, tội tổ tông là điều chúng ta cũng phạm và đang phạm hàng ngày : nói tổng quát là cái thái độ tâm hồn ta luôn muốn chống lại ý Thiên Chúa, muốn làm theo ý mình, làm chủ đời mình, không muốn uốn nắn đời mình theo ý muốn của Chúa định đoạt, mà hành động sao để có lợi cho mình, theo ý thích và đam mê của mình.

 

3/  Hậu quả sau khi phạm tội tổ tông là gì ? Bài Kinh Thánh cho biết : “Mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng”. Không phải là không có quần áo, mà là trần trụi, nghèo xơ xác, chẳng có gì cả. Phạm tội chống Thiên Chúa, làm chủ mình, định đoạt đời mình, họ tưởng họ sẽ được mọi sự, kỳ thực ra trắng tay. Cứ thử lấy một ví dụ : Hít-le khi tưởng mình là tài giỏi, Đức quốc xã sẽ làm bá chủ thế giới, thế là ông phát động cuộc xâm lăng các nước và chiến tranh với cả thế giới... Cuối cùng, ông đã thất bại, cả thế giới chống lại, đem quân, chiến xa, máy bay ném bom tan cả nước Đức ; còn Hít-le thì phải tự sát trong một cái hầm, khi quân Đồng Minh vây Bá Linh và sắp bắt được ông. Ông đã ra trần truồng, nghĩa là trần trụi, chẳng còn gì, chính mạng ông cũng mất. Ta lấy thí dụ ấy mà áp dụng cho từng người. Nếu chúng ta muốn làm theo ý mình, tổ chức đời mình theo ý mình, làm chúa tể đời mình, mọi hoạt động đời mình theo ý riêng, đam mê, tội lỗi..., ta sẽ ra tay trắng, ra trần truồng, khi đứng trước tòa phán xét... Còn gì nữa ? Bài Kinh Thánh nói : Họ sợ và trốn tránh mặt Chúa, Đấng trước kia chiều chiều xuống tản bộ trong vườn dạo chơi thân mật với họ. Thế là hết tình nghĩa. Bây giờ chỉ còn tránh lánh, nếu không phải là địch thù. Còn gì nữa ? Hình phạt ngay ở đời này, trong chính bản thân và điều kiện sống của mình : ông phải cật lực đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm chén cơm, bà phải đau đớn trong sinh đẻ và thân phận phải lụy phục chồng. Gieo gió chỉ gặp bão.

 

4/  Tình trạng ấy có tuyệt vọng không ? Thưa không ! Ở bài sách Thánh trên, ta không trích đăng câu tiếp theo, đó là một lời hứa hé mở niềm hi vọng cho nhân loại khốn khổ : một miêu duệ, tức là một người con cháu trong dòng dõi nhân loại, sẽ cứu nhân loại. Đó là tiên báo về Chúa Giêsu Kitô sẽ đến cứu họ, giải thoát họ khỏi tội tổ tông và các tội mình làm, thoát cảnh trần truồng và bị kết án, thắng Satan (con rắn).

 

Tất cả ơn giải thoát, sự toàn thắng nói trên, Đức Giêsu đã đến, đã thực hiện xong, nhờ cuộc Tử nạm và Phục sinh của Ngài. Ngài gói ghém nó lại trong Bí Tích Thanh tẩy mà gửi đến cho ta. Vậy muốn được giải thoát, được toàn thắng, ta hãy lãnh lấy Bí Tích Thanh tẩy.

 

 

Tích truyện

 

Xưa, có một ông hoàng trẻ mà rất kiêu, muốn người ta tôn thờ mình như vị thần, nên không cho người ta đến gần, chỉ được phép bái lạy từ xa. Một hôm, ông du thuyền trên sông, thuyền lật, ông ta bì bõm sắp chết đuối. Ông kêu cứu, dân làng nghe tiếng chạy ra, nhưng thay vì nhảy tới cứu, họ chỉ đứng xa xa trên bờ mà bái lạy rối rít. Ông gào :

 

-     Đến cứu ta, các bạn !

 

Họ trả lời :

 

-     Chúng tôi không dám đụng đến thánh thể ngài với tay thô hèn của chúng tôi.

 

Mãi một lúc sau, họ mới đến vớt ông lên thì bụng ông đã phình lên vì uống nước no. Thật là một bài học đích đáng ! Từ đó, ông chừa thói kiêu ngạo, cho mình là thần thánh.

 

********************************************

 

 BÀI LỜI CHÚA  73BIS

 

Hai phương án của Thiên Chúa

 

Trích thư Rôma 3.21-28

 

Nhưng nay thì không tùy vào luật nào, Thiên Chúa tỏ cho thấy cách Người làm cho người ta nên công chính, đó là nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, không phân biệt đó là người Do thái hay người ngoại, vì mọi người hết thảy đều đã phạm tội và khuyết hẳn vinh quang Thiên Chúa.

 

Nhưng nay thì họ được giải án tuyên công một cách nhưng không do ân huệ của Người mà thôi, nhờ công cuộc cứu chuộc đã thành tựu trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra làm phương thế xá tội cho những kẻ tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính, trung tín giữ lời hứa Người sẽ cứu độ. Trước kia, trong thời Thiên Chúa cầm mình nhẫn nhịn, thì Người đã bỏ qua các tội lỗi loài người đã phạm. Nhưng vào thời bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người là Đấng trung tín giữ lời hứa cứu độ, thì Người ra tay giải án phạt và tuyên bố là công chính hóa kẻ nào nại đến lòng tin vào Đức Giêsu.

 

Vậy thì con người có gì mà hãnh diện tự đắc ? Thưa chẳng có gì. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng : người ta có được giải án phạt tội và được tuyên bố là công chính, đó là bởi vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Bài Kinh Thánh hôm nay, anh chị em nghe nó buồn, khô khan và khó hiểu. Nhưng nó lại là bài vô cùng căn bản, trọng đại, vì nó toát yếu tất cả đạo Kitô của chúng ta. Từ xưa, các linh mục cứ nghĩ giáo dân ít học, đem bài Kinh Thánh ấy ra đọc, giáo dân sẽ không hiểu nổi, có đem giải nghĩa cũng chẳng thấm vào lòng trí được. Hôm nay, chúng tôi cậy vào ơn Thánh Thần soi sáng và tin tưởng vào anh chị em mà đem ra giảng giải. Mời mọi người cố gắng động não hơn một chút nhé !

 

Bắt đầu ta nghe đọc : “Nhưng nay thì...”. Chữ “nhưng” là một chữ dùng để nói ngược điều nói ở trước. Ví dụ : “Anh thích ăn, nhưng tôi không thích”. Rồi đến chữ “nay thì...”. Nay là đối nghịch với xưa. Vậy nay thì sao, mà xưa thì thế nào ?

 

Đáp : “Xưa” Thiên Chúa có một kế hoạch khác, “nay” kế hoạch khác (gọi theo tiếng đời nay là phương án). Kế hoạch hay phương án xưa thế nào ? Câu “không tùy vào luật nào” cho hiểu : phương án xưa là tùy vào luật lệ, nghĩa là sau khi nhân loại chúng ta phạm tội phản nghịch Thiên Chúa ở vườn địa đàng, Chúa đuổi ra khỏi nơi diệu quang, sống vất vả, khổ sở, càng ngày càng bị ma quỉ và tội lỗi lôi cuốn vào sự chết. Trước tình cảnh ấy, Thiên Chúa hoạch định một phương án cứu chuộc lại. Phương án ấy như sau :

 

Thiên Chúa, Đấng Thánh thiện, ngự trên trời, vì thương loài người lầm lạc trong đêm tối tội lỗi, mới ban lề luật chỉ đàng cho họ, để họ làm theo đó mà được cứu. Nào luật tự nhiên như luật trong lương tâm, rồi luật của các đạo, các tôn giáo bên Tây phương, cũng như Đông phương, khắp nơi ; chẳng hạn bên Á đông chúng ta thì có những giới luật của đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng, đạo ông bà... dạy người ta diệt tham sân si, phải hiếu đễ, phải nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... và còn bao giới luật khác... dạy ăn ngay ở lành, đừng lấy của, giết người, hà hiếp, tham lam, bất công... - Thiên Chúa chưa lấy làm đủ, Người còn chọn một dân riêng, gọi là dân Israen, ban cho họ một bộ luật hoàn bị hơn, gọi là luật Môsê. Để thí nghiệm xem nếu thành công thì sẽ đem áp dụng truyền lan cho khắp cả thế giới.

 

Nhưng, anh chị em có đoán được kết quả là thế nào không ? Là số không ! Đây ta chỉ trích một câu tiêu biểu nhất : Thiên Chúa nhờ miệng tiên tri Ysaia mà trách dân Israen : “Ta đã chẳng tiếc công trồng một vườn nho quí, rào giậu kín đáo, đặt tháp canh, khoét bồn nho, tưới bón đủ cả ; nói tóm, chẳng có gì có thể làm mà Ta đã chẳng làm cho vườn nho. Thế mà Ta lại chỉ gặt hái được nho chua lè, thay vì nho ngọt lịm ? Ta chỉ thấy dân Israen sản xuất ra toàn độc ác, bạo tàn”, tội lỗi, thay vì đạo đức, tốt lành, yêu thương.

 

Thánh Phaolô cũng nhận định như thế trong thư Roma, khi ông được Chúa soi sáng nói ra thế này : “Dân Do thái cũng bị Chúa thịnh nộ, kết án, mặc dù họ có bộ luật hoàn bị hơn, mặc dù họ có phép cắt bì, mặc dù có các lời hứa”, và bao phép lạ, điềm thiêng Chúa làm cho họ, nào phép lạ đi qua biển đỏ ráo chân, bánh manna, chim cút, nước uống giữa sa mạc, được vào đất chảy tràn sữa và mật. Kết quả ra sao? Dân Do thái càng ngày càng tội lỗi, đến nỗi Chúa bỏ mặc họ, thế là quân ngoại đến tấn công, tàn phá thánh đô Yêrusalem, phá hủy Đền Thờ, nhà tan cửa nát, dân chúng bị đi đày sang Babilon, và lần sau, còn bị tản mác lưu vong khắp cả thiên hạ cho đến ngày nay... Kết quả của phương án xưa (gọi là phương án 1) chỉ là con số không !

 

Còn dân ngoại thì có khá hơn không ? Thưa : còn tệ gấp bội. Thánh thư Roma, kê ra một bảng các tội lỗi của họ đủ mọi thứ : loạn luân, đồng tính luyến ái, độc ác, bạo tàn, kiêu ngạo, ác quái, gian tham... Anh chị em còn nhớ lời Chúa phàn nàn : Suốt ngày từ sáng đến tối, đầu óc chúng chỉ nặn ra toàn độc dữ. Nên Thiên Chúa lấy làm hối tiếc vì đã dựng nên loài người. Sau đó, Chúa đã xóa sạch họ trên địa cầu bởi lụt Đại Hồng thủy (sách Khởi Nguyên, ch.6-7). Thánh thư Roma cũng kết luận : dân ngoại cũng mắc án thịnh nộ của Thiên Chúa.

 

Tóm tắt : Tất cả loài người, không trừ ai, đều tội lỗi, đã phạm tội và khuyết vinh quang, mất ơn sủng Thiên Chúa, như ta đọc trong bài Kinh Thánh trên đầu. Chúa ban cho họ luật, và dạy : Hễ ai giữ trọn lề luật thì nhờ đó, được sống đời đời. Rồi Chúa ngồi trên trời, chờ đợi họ lên để Người phán xét xem có giữ trọn luật không (luật lương tâm, luật tôn giáo, nhất là luật Môsê), để Người sẽ thưởng cho họ sự sống đời đời. Chẳng ai trong họ đạt tiêu chuẩn cả. Chúa như chờ mãi mà chẳng có ai đạt để cho vào thiên đàng. Chẳng một ai đạt! Abraham, Đavít... dù khá lắm trong hàng tôi trung của Thiên Chúa đó, ấy thế mà Chúa cũng thấy các ông có phạm tội. Ta chưa quên tội ngoại tình ông phạm với bà Bét-sa-bê, vợ tướng U-ria... ; sau đó, sợ tai tiếng, ông đã giết chồng bà ta để tự do lấy bà ấy về làm vợ. Đó, người khá nhất mà cũng vậy.

 

Thế là phương án 1, kế hoạch xưa đã thất bại hoàn toàn. Một cách nào, ta có thể nói rằng : Thiên Chúa đã thất bại. Rút kinh nghiệm đau thương ấy, Chúa bèn lập một phương án mới thứ hai : Không tùy vào luật nào cả. Từ nay, Chúa không bảo loài người : hễ giữ trọn luật thì nhờ đó được thưởng sự sống đời đời. Thế thì sẽ tùy vào cái gì ? Thưa : tùy vào lòng tin nơi Đức Giêsu, như sau đây sẽ trình bày. Đây, phương án 2 là thế này : Thiên Chúa không còn cứ ở trên trời như trước, giữ một sự xa cách và đợi loài người chết rồi phán xét để tính sổ xem giữ có trọn luật không, được bao nhiêu công nghiệp, tập được bao nhiêu nhân đức. Và nếu Chúa phán xét thấy đủ, thì thưởng cho sự sống đời đời (x. Mt 19.17-19). Nhưng nay, Thiên Chúa xé trời mà xuống giữa loài người (Ysaia 64.19), giữa Thiên Chúa và loài người không còn có lằn ranh không thể vượt qua ngăn cách nữa. Thiên Chúa đã xuống, không phải ở giữa loài người như xưa ngự vô hình trong Đền Thờ, trên Hòm bia Giao ước, nhưng Người mặc lấy thân xác để làm một người, như chúng ta. Thánh Gioan viết : “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1.14).

 

Làm như thế để làm gì ?

 

Để thánh hóa bản tính loài người, hoặc nói cách khác : để biến đổi bản tính xấu xa, tội lỗi, cho sạch tội mà nên tốt lành, thánh thiện như bản tính Thiên Chúa. Vì khi Thiên Chúa mặc lấy bản tính loài người, thì xảy ra là Thiên Chúa thì thánh thiện, vô cùng vinh hiển và tốt lành. Còn xác phàm Chúa nhận lấy thì dính đầy vết nhơ tội lỗi. Ta có thể ví Thiên Chúa là một người rất sạch sẽ, lịch sự ; khi nhận lấy thân xác loài người, thì như thể Người vào ở một cái phòng bẩn thỉu, thối tha, lộn xộn, tối tăm. Đáng lý ra, Người không chịu nổi, không sống nổi. Song vì lòng yêu thương, Người cố quyết sống để rồi dọn dẹp, quét tước, sửa sang cho nó nên sạch, nên đẹp, Người biến đổi nó nên lịch sự, sạch sẽ như Người ! (Rm 8.3; 2Cor 5.21; 1Pr 2.21).

 

Thiên Chúa biến đổi bản tính nhân loại lúc nào ? cách nào ?

 

Thưa : Ngay khi Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria, Ngài đã biến đổi, đã thánh hóa cách nào rồi, nhưng nhất là khi tế lễ mình trên thập giá. Đó là chóp đỉnh việc biến hóa, thánh hóa. Khi Đức Giêsu dâng mình tế lễ cho Chúa Cha, vì yêu mến và vâng phục Cha, thì Cha vui lòng lắm, Người chấp nhận của lễ ấy, và ban Thánh Thần xuống làm cho Đức Giêsu sống lại, thân xác Đức Giêsu được phục sinh. Từ nay, bản tính nhân loại Đức Giêsu được cứu chuộc hoàn toàn, không còn mang chút gì nhơ bẩn, tội lụy, tối tăm, yếu đuối. Nói thế không bảo là ĐY đã phạm tội nào. Đức Giêsu không hề phạm tội, Ngài vô tội (Ga 8.46; Híp-ri 4.15), nhưng cái bản tính loài người Ngài mặc lấy thì do từ nguyên tổ Ađam, Eva truyền xuống là bản tính hư hỏng, đầy dẫy vết tích tội lỗi (Rm 8.3). Ngài phải mang lấy thì mới tẩy sạch nó được chứ.

 

Bây giờ, ta nói tiếp, từ khi phục sinh, Thánh Thần đã đến tẩy sạch, biến đổi, thánh hóa, và làm cho toàn thân mình Đức Giêsu được đầy thần tính Thiên Chúa như Thánh Phaolô dạy trong thư Coloxê (2.9) : “Bây giờ, trong cả thân xác Đức Giêsu, đều có thần tính Thiên Chúa ngự một cách sung mãn”. Như thế, Đức Giêsu giống như “cái lò bát quái” của Thái Thượng lão quân trong truyện Tây Du Ký, cái lò biến hóa, cái lò luyện nên thánh. Nó đã nhờ sức Chúa Thánh Thần như lửa cực nóng, luyện cái thân xác Đức Giêsu nên trong sạch, thánh thiện, đầy tràn vinh quang, ơn sủng. Đó là điều mà bài Kinh Thánh trên đầu nói : “Công cuộc cứu chuộc đã thành tựu nơi Đức Giêsu Kitô (x. Híp-ri 5.8-10).

 

-    Hỏi : Công việc trên đây ăn nhằm gì với chúng ta, người trần, phạm đầy tội lỗi xấu xa ?

 

Thưa : Ăn nhằm lắm chứ ! Phải nói : chính vì để biến đổi, thánh hóa chúng ta mà Chúa mới làm công việc đó ! Nghĩa là sau khi bản tính nhân loại cá nhân Đức Giêsu được biến đổi, tức là công cuộc cứu chuộc đã thành tựu trong Chúa Kitô, thì Thiên Chúa mời chúng ta : có muốn được biến đổi, được thánh hóa, tức là được cứu chuộc, được sự sống đời đời và được thiên đàng hạnh phúc vô cùng không ? Ta đã bày ra “một phương thế xá tội” rồi đó !

 

-    Thế là ai muốn thì Chúa bảo : Ta chỉ đòi một điều kiện : hãy tin vào Đức Giêsu, gắn bó với Đức Giêsu (thường được biểu lộ ra bằng việc bên ngoài là chịu Phép Rửa tội), thì được vô trong “cái lò bát quái” là Đức Giêsu Tử nạn Phục sinh nói trên. Vào trong đó, Chúa Thánh Thần sẽ luyện ta sạch (tức là ta được tha thứ tội lỗi), được biến đổi thành con người mới, càng ngày càng thánh thiện, càng ngày Thánh Thần càng làm cho “cái tôi” khốn nạn của ta chết đi. Điều này mới quan trọng, làm chết “cái tôi” khốn nạn này là đầu mối gây ra mọi tội lỗi. Cho nên, việc tẩy luyện trong “lò bái quái Đức Giêsu” không chỉ dừng lại ở việc tha tội, song là cứ dần dần làm chết đi “cái tôi”, là gốc rễ mọi tội lỗi, để từ nay, một cái tôi khác là Chúa sống trong ta (Galát 2.26). Ta sẽ đầy ơn Chúa, đầy quyền năng, được làm con Chúa, và được vào Nước Thiên Chúa, tức là Nước thiên đàng bắt đầu ngay từ trần gian (như sau sẽ bàn) và mãi mãi đến muôn đời.

 

Kinh Thánh nói : một khi bản thân Ngài đã nên thành toàn, thì Ngài nên nguyên nhân cứu rỗi cho ta. Đó là phương án hai của Thiên Chúa. Các anh chị em có thấy đòi điều kiện là phải giữ trọn luật nào đâu ! Không hề thấy ! Đây là chuyện nhưng không mà chỉ cần : Hãy tin ! Mời đọc lại câu đầu của bài Kinh Thánh hôm nay thì rõ : “Nhưng nay thì không tùy vào luật nào, Thiên Chúa tỏ cho thấy một cách khác. Chúa làm cho người ta nên công chính mà không cần nhờ vào luật, đó là nếu họ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế...”. - “Họ được giải án phạt (được tha tội) và được tuyên bố là công chính (tức được nên thánh thiện) một cách nhưng không” bởi vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy.

 

Ta kết luận sao ?

 

Thưa : Ta phải nhận định rằng : Chúa thương ta quá bội, đã lập một phương án mới hết sức dễ dàng và đồng thời lại vô cùng kỳ diệu: coi như Chúa làm hết cả. Chúng ta không còn phải gồng mình giữ luật, ăn chay, tụng niệm... để lập công nghiệp nữa... Chúa lãnh lấy tất cả và làm thay cho ta rồi. Nay chỉ việc tin, tin hết lòng, tự đáy lòng, bám lấy Chúa Giêsu, gắn bó với Ngài, là được vào trong Ngài ; trong đó, Thánh Thần sẽ luyện tẩy, biến đổi chúng ta...

 

Khi thấy Chúa thương như thế, ta chỉ biết vui mừng, ca hát, ngợi khen Chúa vô cùng vô tận, tức là hát ca tạ ơn Chúa suốt cuộc đời. Vui lên hỡi anh chị em ! Hãy vỗ tay ! Hãy ca hát ngợi khen Chúa ! Đời chúng ta từ nay không được phép buồn, cho dù gặp cay đắng, vất vả, khổ đau. Chúng ta đang ở trong Chúa Kitô cơ mà ! “Tôi sống, nhưng xem ra là không phải tôi, chính Chúa Kitô phục sinh đang sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, trong cuộc sống thường ngày, công ăn việc làm, giải trí, yêu đương..., tôi sống tất cả các sự đó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã phó mình chịu chết cho tôi, để tôi được sống và hạnh phúc “ (Galát 2.20). Như thế, hỏi còn buồn sao được ? Như thế chỉ còn vui thôi ! Ôi! Chớ gì anh chị em thấu hiểu được, ắt anh chị em sẽ vui sướng và hạnh phúc !

 

 

Tích truyện

 

Một hôm kia, Hoàng hậu Anh quốc là Vic-to-ria ăn mặc giả làm dân, đi thăm một xưởng giấy. Chủ xí nghiệp ra đón tiếp và mời đi tham quan chỗ này, chỗ nọ, chỉ cho bà biết cách làm giấy như thế nào. Tới một chỗ có đông công nhân đang lựa lọc những giẻ bẩn mà người ta mới tải về, còn đang bay mùi rác rưởi hôi thối, khó chịu. Bà bèn hỏi :

 

-     Giẻ bẩn thế này mà ông dùng để làm gì ?

-     Thưa, để làm giấy.

-     Nhưng nó vừa đen bẩn, bừa đủ thứ màu, làm sao cho ra giấy trắng được ?

-     Thưa, được chứ ! Bởi cách chế tạo nhờ các chất hóa học thì không còn thấy màu nữa, mà chỉ ra giấy trắng như tuyết.

-     Thật lạ lùng !

 

Sau đó, bà ra về. Cách ít lâu, bà nhận được một xấp giấy thật đẹp, trắng như tuyết, làm bằng các thứ vải dơ bẩn, hôi thối bà thấy hôm nọ. Bà bèn lấy ra một tờ giơ lên coi, thì cũng thấy hình của bà trong ấy nữa.

 

Chúng ta cũng vậy, là giẻ dơ bẩn, hôi hám ; nếu ta tin, ta được nhập vào “lò bát quái” là Đức Giêsu phục sinh, ta bèn trở nên trắng như tuyết, được tái sinh vào một đời sống mới, công chính, thánh thiện, đến nỗi Chúa Kitô thành hình trong chúng ta.

 

*    [Hãy cùng nhau hát một bài thật vui mừng, sống động mà ca ngợi, cám ơn Chúa].