Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 028

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  28

 

Thương xác bảy mối

 

Với bài này, ta bước sang một đề tài mới là bác ái đối với tha nhân.

 

Trích sách Tô-by-a, ch.1-4 và 12

 

Ông Tô-bi bị Vua San-ma-na-da bắt làm phu tù, đi lưu đầy cùng với người Israen sang Ni-ni-vê. Ông là người công chính, giữ lề luật Chúa trọn vẹn, và rất có lòng kính sợ Thiên Chúa. Lòng đạo của ông không chỉ là đi dự lễ, đến nhà thờ, đọc kinh, nguyện ngắm Lời Chúa, mà còn diễn tả ra bằng các việc lành phúc đức. Ông không những làm gương sáng cho người lân cận, mà còn giúp đỡ họ tận tình : giúp tiền cho kẻ mồ côi, góa bụa và khách tha phương, bố thí cho kẻ nghèo đói, túng thiếu. Ông kể rằng :

 

-    Người đói, tôi cho bánh ăn ; kẻ mình trần, tôi cho áo xống ; nếu thấy có thây chết nào bị quăng ngoài tường lũy Ni-ni-vê, tôi đem chôn cất.

 

Số là Vua mới tên Sa-ne-kê-ríp lên nối ngôi vua trước, ông rất ghét người thờ phượng Thiên Chúa, nên tìm giết họ như những tên đại gian, đại ác. Ông Tô-bi không sợ cơn bắt bớ, cứ thăm viếng kẻ tù ngục, yên ủi, giúp đỡ họ, và khi họ bị giết, ông lén lấy trộm xác đi chôn cất tử tế. Bị người Ni-ni-vê tố cáo lên Vua, ông bị kết án tử hình. May nhờ các bạn tâm phúc, ông trốn được, ẩn náu một nơi, còn gia tài ông bị tịch biên hết không còn gì. Ít lâu sau, vua độc ác kia bị ám sát, Tô-bi lại trở về Ni-ni-vê, đoàn tụ với vợ con và tiếp tục làm việc nghĩa.

 

Hôm ấy, ngày đại lễ Ngũ Tuần, người ta dọn một bữa tiệc thịnh soạn mừng ông. Thấy món ăn la liệt trên bàn, ông chạnh lòng nhớ đến những kẻ đói nghèo, và sai con rằng :

 

-    Này con, hãy ra đường và gặp ai nghèo đói trong anh em ta, hãy dẫn về đây chia sẻ bữa ăn với cha. Này cha đợi con về đó !

 

Lúc đưa một người nghèo đói về, cậu con nói với cha :

 

-    Cha ơi ! Có một người Israen bị sát hại, người ta quẳng xác ngoài bùng binh.

 

Vừa nghe, ông Tô-bi chỗi dậy, bỏ bữa ăn, đi lấy xác người đó, đem về giấu đi, đợi đến tối mịt đem chôn. Sau đó, ông mới tắm rửa và ngồi ăn uống. Nhưng bữa tiệc lúc ấy đã biến thành “ăn bánh trong tang sầu”. Đến tối mịt, ông đào huyệt chôn xác người ấy. Hàng xóm thấy thế xì xào :

 

-    Hắn vẫn chưa sợ ! Đã bị tầm nã và kết án tử hình, phải bỏ trốn, thế mà bây giờ hắn vẫn lại chôn xác kẻ chết !

 

Họ không biết rằng ông Tô-bi kính sợ Thiên Chúa hơn sợ vua As-sy-ri, và lòng thương người lớn lao đến nỗi không làm ông chùn bước trước một hi sinh nào.

 

Đã vậy, ông có được Chúa thưởng gì đền đáp đâu ! Chỉ gặp toàn là tù ngục, kết án, chạy trốn, gia tài bị tịch thu... Và lần này, xui xẻo hơn nữa : tối đó, vì quá mệt, trời lại nóng bức, ông nằm ngủ bên mé tường, nên bị cứt chim từ mái nhà rớt xuống làm ông bị mù cả hai mắt. Chỉ mãi sau này, như ta đã biết, ông được cậu con là Tôbya lấy mật gan cá rịt cho ông, mắt ông mới sáng lại.

 

*    Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Ông Tô-bi là con người đã thi hành trọn vẹn việc thương xác bảy mối. Có anh chị em nào thuộc lòng, xin đọc lên thử coi ? [mời đọc...] [Hoan hô !].

 

Ông Tô-bi thương người đến lụy vào thân, vì sao ông không ngại? Thưa : vì ông là người công chính, đạo đức, tức là người vâng giữ luật Chúa truyền dạy. Ta cũng vậy, Chúa cũng dạy ta yêu người. Thương người có 14 mối, thương linh hồn 7 mối, thương xác 7 mối. Thực hành các điều đó mới xứng danh là đạo bác ái.

 

Bài sau, ta sẽ bàn về cách thực hành 7 mối thương xác. Kỳ này, ta hãy suy niệm các lý do tại sao ta phải thương và giúp đồng loại.

 

1/  Trước hết, sự sống thật quí giá :

 

Khi ta nhìn một em bé mũm mĩm, đang chơi đùa, hồn nhiên, vô tư lự và vui sống, ta cảm thấy xúc động ! Ta thầm nhủ : sự sống con người thật cao quí, thật đẹp đẽ, thật lạ lùng ! Đó là mầu nhiệm sáng tạo : một con người vừa xuất hiện trên cõi đời, tươi mới, trẻ trung, mang theo nó bao hứa hẹn, bao khả năng tiềm tàng trong thân xác non nớt, nhỏ xíu đó. Và ta thử hỏi : Trẻ này mai sau sẽ thế nào ? Một người tốt, một anh hùng, một vĩ nhân, một bậc thánh ? Hay ngược lại, thành một tên côn đồ, một kẻ vô dụng, hại gia đình, phá xã hội, một kẻ dữ sa hỏa ngục đời đời ?

 

Sẽ ra thế nào ư ? Một phần không nhỏ là do những người xung quanh có quan tâm, săn sóc, giúp đỡ nó không : săn sóc khi còn nhỏ, giúp đỡ khi đã lớn và đã thành người.

 

2/  Sự sống quí giá và là một ơn huệ của Chúa, nên ta tôn trọng mạng sống và thân xác ta thế nào - điều đó ta đã xem ở các bài trước - thì ta cũng phải tôn trọng, lo lắng, săn sóc, giúp đỡ người khác như thế. Bạn thử tưởng tượng đang ở trên xe đò, trước mặt bạn là một bà mẹ với đứa con thơ 3 tuổi. Xe sắp chuyển bánh. Tiếng người lơ xe hô bác tài : “Chạy !”. Và anh ta đang sắp đóng sầm cửa lại. Bỗng bạn thấy bàn tay em bé đang kẹt vào khe cửa. Bạn sẽ cảm thấy thế nào ? Nếu không phải là tim sẽ thắt lại ? Bạn sẽ làm gì ? Bạn có thể ngồi điềm nhiên nhìn bàn tay non nớt kia sẽ nát tan, máu chảy xối xả và em bé đau đớn khóc thét lên được không ? Chỉ một giây mà cả đời em bé sẽ tàn phế, có khi phải cưa cụt đến cổ tay !

 

Không ! Không thể như thế ! Bạn không thể ngồi yên, nếu bạn còn có một con tim của loài người. Bạn phải làm một cái gì đó để cứu nguy. Và giả sử em nhỏ đó là chính bạn, chắc bạn sẽ mong được ai cứu giúp. Do đó, ta phải đến cứu giúp tha nhân, như Chúa đã dạy : “Điều gì các con muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7.12).

 

3/  Hãy xem gương Thiên Chúa : Ngài thương và săn sóc mọi tạo vật Ngài đã dựng nên ; cách riêng đối với loài người, Ngài tỏ ra nhân hậu, yêu thương biết bao, bất kể họ là ai. Chúa Giêsu nói : “Chúa ban mưa nắng cho kẻ lành cũng như kẻ dữ”. Thế nhưng, có điều này đáng lưu ý : theo lối quan phòng xếp đặt của Ngài, Ngài săn sóc, giúp đỡ ta qua trung gian của người khác, Chúa nhờ tay người này giúp đỡ người kia, cha mẹ giúp đỡ con cái, người khỏe giúp người yếu, người giàu giúp người nghèo, vv...

 

Thấy người khác nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau mà không giúp đỡ, đó không còn là con người nữa, mà là con vật, hoặc con người đó không có trái tim. Người ngoại đạo ngày xưa vì tin vào thuyết định mệnh, nên họ để mặc người khác nghèo khổ, đau đớn, vì nghĩ rằng đó là “số kiếp”, đó là “tiền oan nghiệp chướng”, “kiếp trước đã ăn ở thất nhân, thất đức”, ráng phải chịu vậy. Cùng lắm, họ chép miệng cảm thương rồi thôi, chẳng tích cực giúp đỡ gì, chưa kể có khi vì mê tín dị đoan, cái khổ của người khác còn gợi lên nơi họ một mối lo sợ bị lây xui xẻo, nên họ thường tránh xa, hay đốt hương, đốt vía xua đuổi. Nghe nói có chuyện này, chẳng biết đúng hay sai : các ngươi thuyền chài, thấy ai sắp chết đuối, họ kiêng không đến cứu vớt, vì sợ xui, sợ Hà bá !

 

4/  Đạo Chúa dạy khác : Thiên Chúa là Cha nhân từ, thì đạo của Chúa chỉ có thể dạy lòng bác ái ! Ngay trong Cựu Ước, Chúa phán : “Ta ưa chuộng tình thương hơn là các lễ vật” (Hs 6.6). Và Chúa dạy phải có những hành động thương yêu cụ thể. Cứ xem gương ông Tôbi trên kia đủ rõ. Rồi Ngài còn chúc phúc : “Phúc cho ai lưu tâm đến người nghèo khó và yếu đuối, ngày họ gặp hoạn nạn, Thiên Chúa sẽ gỡ thoát cho” (Tv 41.2).

 

5/  Gương Chúa Giêsu : Đức Giêsu đã đến, Ngài mang tình thương Thiên Chúa xuống trần gian giá lạnh, ích kỷ và khổ đau này. Ngài đẩy tình thương người lên đến đỉnh cao chót vót, khi Ngài tuyên bố : “Điều răn lớn nhất và trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Điều ấy đã đành. Điều răn thứ hai cũng giống như thế, quan trọng ngang với điều thứ nhất : đó là yêu thương người ta như mình vậy”. Nói thật, đạo ta chỉ có hai điều răn ấy. Còn ngoài ra, các điều khác đều từ đó “phăng” ra, thế thôi. Nhưng nên nhớ, Đức Giêsu không chỉ nói, Ngài đã thi hành trước : Ngài động lòng thương người phung hủi, đưa tay đụng đến để chữa lành. Thấy bà góa thành Naim đang khóc lóc đi sau quan tài đứa con trai độc nhất, Ngài chạnh thương làm một phép lạ lớn cho cậu con trai sống lại và trao tận tay bà. Hàng ngàn kẻ đau ốm, tật nguyền, quỉ ám, động kinh, Ngài đều ra tay chữa lành, bất kể có đạo hay không có đạo, tốt hay xấu.

 

6/  Lời Chúa Giêsu dạy : Làm trước, dạy sau. Đức Giêsu dạy môn đồ điều Ngài đã thi hành trước. Rồi Ngài dạy : “Các con hãy yêu mến nhau, như Thày đã yêu mến các con”. Ngài còn nói đó là điều răn mới : “Thày ban cho các con một điều răn mới : là các con hãy yêu mến nhau...”. Mới ở chỗ nào ? Xưa, Cựu Ước đã dạy phải yêu thương rồi cơ mà ? Người đời cũng vẫn nói : thương người như thể thương thân ! Cái mới thì ra ở chỗ này : Yêu thương người ta không chỉ như mình, mà còn như Thày đã yêu mến chúng con, yêu như cách Chúa yêu, yêu như lòng Chúa yêu, như mức độ Chúa yêu, vv... Cái mới còn ở điểm này nữa : khi ta thương và giúp đỡ người nào, thì ta làm cho chính bản thân Chúa : “Quả thật, Thày bảo các con, những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Thày, là các con đã làm cho chính mình Thày”.

 

Có người nghĩ rằng Chúa khuyên ta nên yêu mến nhau. Không yêu mến, giúp đỡ nhau cũng chẳng sao, miễn là mình cứ xưng tội, rước lễ, đọc kinh, lần hạt là đủ, vẫn được lên thiên đàng ! Đừng nghĩ vậy ! Sai lầm to ! Chúa Giêsu đã coi đó là một lệnh truyền cơ mà : “Này là lệnh truyền của Thày : các con hãy yêu mến nhau...” (Ga 15.12; 12.17).

 

Vậy đây không phải chuyện đùa, thích thì làm, không thích thì thôi. Ai tử tế với ta, ta giúp đỡ, kẻ nào ta ghét, ta mặc kệ... Chúa Giêsu còn nói một cách khác để ta thấy rằng : không yêu thương, giúp đỡ người khác, ta chẳng còn là tín hữu Chúa, mà chỉ là một kẻ ngoại đạo : “Cứ dấu này mà người đời biết chúng con là môn đệ Thày : đó là chúng con yêu mến nhau”. Không làm như thế, chúng ta không phải là môn đệ Ngài nữa, mà là kẻ ngoại đạo rồi. Chúng ta ở đây, ai ai cũng đều biết các điều Chúa dạy, song khốn nỗi, trái tim ta thường lười biếng và ích kỷ, cứ luôn tránh né yêu thương, hoặc viện đủ lý lẽ để làm ngơ, giả điếc, không giúp đỡ anh em khác. Đã là lệnh truyền, đã là điều răn Chúa dạy, mà ta không thi hành, thì hình phạt Chúa chờ ta đó, ngày phán xét Chúa sẽ quở trách khủng khiếp : “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta, mà vào lửa đời đời. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn, khát không cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước, mình trần không cho mặc, Ta đau yếu và ở tù, các ngươi không thăm viếng... Quả thật, những gì các ngươi từ chối không làm cho kẻ nhỏ hèn nhất, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta”.

 

Gia đình chúng ta hãy tạ tội với Chúa và hứa từ nay sẽ tuân hành lệnh truyền của Chúa, như ông Tô-bi, hầu được phúc sống đời đời bên Chúa.

 

 

Tích truyện

 

Bác sĩ Lông-giê (Longet) là một bác sĩ người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây 30 năm, và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley, người Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, bất kể ngày đêm. Được hỏi vì sao ông quí bệnh nhân đến thế ? vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân trên hết ? Ông đáp :

 

-    Vì thấy Chúa Giêsu trong người bệnh.

 

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi đều được ông chở trên xe. Mỗi chiều Chúa nhật, ông chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân công giáo. Vì là người Pháp, đang bập bẹ học tiếng Việt, ông chỉ thuộc mấy kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, đủ để lần hạt chung với họ. Ít lâu sau, trở về Pháp, ông dâng mình đi tu, vào chủng viện, rồi được phong linh mục. Ông tình nguyện sang Việt Nam lại và phục vụ những người nghèo khổ nhất ở địa phận Cần Thơ. Tiếc thay ! Sau khi chịu chức linh mục, chưa kịp thực hiện nguyện ước, Cha Lông-giê bị bệnh và qua đời.