Bài Lời Chúa 040
BÀI LỜI CHÚA 40
Đức thanh tịnh
Trích sách Khởi Nguyên 39.1tt
Cậu Giuse, con út ông Ya-cob, bị anh em ghen tị bán cho lái buôn đưa sang Ai cập. Quan Pô-ti-pha mua Giuse từ chợ bầy bán nô lệ đem về nhà. Giuse được nghĩa với chủ, cậu làm việc gì cũng thành công. chủ dần dần cất nhắc cậu lên chức quản gia nhà mình. Giuse có tướng mạo tuấn tú, oai phong, nên đã lọt vào mắt xanh bà vợ trẻ của Quan. Nàng dụ dỗ chàng phạm tội, nhưng chàng cự tuyệt:
- Ông chủ rất tốt với tôi và tín nhiệm tôi, trao vào tay tôi cai quản mọi sự. Làm sao tôi có thể phạm tội đại ác như vậy đối với ông ấy và nghịch cùng Thiên Chúa tôi ?
Từ đó, nàng vẫn không buông tha, ngày ngày, nàng năn nỉ cậu tư thông với nàng. Xảy ra có một ngày kia, cậu vào trong nhà để làm công việc, trong nhà lại vắng vẻ chẳng có ai. Nàng nắm lấy áo Giuse mà rằng :
- Anh nằm với em đi !
Nhưng chàng đã bỏ cả áo trong tay nàng mà vùng chạy ra ngoài. Thấy bị hắt hủi, nàng đổi thành căm thù.
Cầm lấy áo của Giuse bỏ lại, nàng gọi gia nhân lại mà kêu to lên :
- Coi này, chồng ta đã dẫn vào dinh một đứa con cái dòng giống Do thái, để nó dám làm nhục ta. Nhưng ta đã la hét lên, nó sợ bỏ chạy, ta túm được áo nó đây này !
Rồi nàng chờ chồng về mách cùng ông :
- Tên nô lệ ông mua về, nó dám xấn đến giường tôi và làm thế này thế nọ với tôi.
Nghe và tin lời vợ, vì bà đưa ra cái áo làm bằng chứng, ông đùng đùng nổi giận, truyền bắt Giuse tống ngục.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Trong đời, không hiếm những người đàn ông, đàn bà biết trọng lễ nghĩa, biết từ chối và chống trả những cám dỗ của dục tình, như Giuse. Nhưng điều đáng phục và phải học hỏi nơi Giuse là lòng trung nghĩa đối với chủ, người đã đối xử tốt với chàng, đã tín nhiệm chàng, nên chàng không thể phản nghịch lại ông. Hơn thế, chàng càng không thể phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa, là Đấng đã luôn bênh vực, che chở, phù giúp chàng, như chàng nói. Chàng đã tự chủ mình như thế lâu ngày tháng, trước bao lần cám dỗ, năn nỉ của cô vợ Pô-ti-pha.
Bài Lời Chúa kỳ này dạy chúng ta về đức thanh tịnh, tức là giữ mình trong sạch khỏi mọi tư tưởng, hành vi dâm ô. Điều này đòi hỏi phải có một sự tự chủ rất cao.
1/ Nhưng trước hết, ta hãy nhận định tội lỗi đức thanh tịnh, hoặc tội dâm dục có phải là tội trọng nhất không ? Có nhiều người đáp : phải. Sở dĩ có câu đáp ấy là vì từ bao lâu nay, tín hữu được nghe các Cha giảng dạy, nhấn đi nhấn lại về tội lỗi điều răn thứ 6 và thứ 9 là tội rất trọng. Dĩ chí, Thánh An-phong-sô Tiến Sĩ Hội Thánh còn nói : “Trong 100 người sa hỏa ngục, thì có đến 99 người là bởi tội dâm dục!”
Thánh nhân nói quá đi, có ý thức tỉnh lương tâm người đời về cái tội mà người ta dễ phạm nhất và thường hay phạm luôn luôn. Nhưng ta đừng lẫn lộn sự thường hay phạm nhiều với trọng tính - tính chất trầm trọng - của nó.
Theo đúng Thánh Kinh dạy : tội trọng nhất là tội không tin, và tin với mến đi đôi, nên có thể nói tội trọng nhất là không yêu mến. Có lần người ta hỏi Chúa Giêsu :
- Điều răn nào trọng nhất ?
Ngài đáp :
- Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức.Và rồi đến điều răn cũng quan trọng ngang với điều trên là : yêu thương người ta như mình vậy.
Lời Chúa Giêsu đã rõ ràng, nhưng sách Tin Mừng còn thuật lại một chuyện đã xảy ra cụ thể để chứng minh. Đó là chuyện người đàn bà tội lỗi thánh hóa, mà ta thường gọi là bà Ma-đa-lê-na. Là một phụ nữ tội lỗi, đàng điếm, khi đến xin Chúa tha tội, nàng đã đau đớn, khóc lóc, xức dầu chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau... Chúa bênh vực cô ấy, khen cô ấy mà chê ông Biệt phái, tuy là người đạo đức, giữ luật đàng hoàng, song Chúa bảo là không có lòng mến. Chúa nói :
- Bao nhiêu tội lỗi của cô ấy đều được tha hết, vì cô đã yêu mến nhiều (Lc 7.47).
2/ Chính nhờ chuyện ấy, ta tìm được mối giây liên hệ giữa đức thanh tịnh và đức mến Chúa. Nói cách khác, giữ thanh tịnh là vì mến Chúa : cậu Giuse giữ mình không phạm tội dâm ô với vợ Quan kia, cũng vì không muốn làm nghịch với Thiên Chúa. Cô Ma-đa-lê-na thống hối khóc lóc dưới chân Chúa vì cớ gì ? Thưa : vì yêu mến. Tín hữu cũng vậy, giữ mình trong sạch là vì mến Chúa, không muốn làm mất lòng Chúa. Ta với Chúa đã kết hợp thành một : Ngài là đầu, ta là chi thể, là thân mình Ngài. Tội tà dâm đã dứt ra ra khỏi thân mình Chúa Kitô. Cái trầm trọng của tội tà dâm là ở chỗ đó. Có thể nói : khi phạm tội khác, thì chỉ đuổi Chúa ra khỏi linh hồn ta, còn tội tà dâm phạm trong xác thịt là đuổi Chúa ra khỏi thân mình ta nữa. Đó là ý nghĩa của Lời Kinh Thánh dạy sau đây :
“Thân xác anh em là những chi thể của Đức Kitô. Vậy khi dan díu với gái điếm, thì như thể giựt anh em khỏi thân mình Đức Kitô mà đem làm thành một thân với gái điếm. Vì dan díu với điếm, tức là nên một thân mình với nó, vì Kinh Thánh nói : cả hai đã nên một thân xác. Vậy anh em hãy tránh tà dâm ! Phàm mọi tội người ta phạm thì đều ở ngoài thân xác. Còn kẻ tà dâm thì có tội phạm đến chính thân xác mình” (1Cr 6.15-18).
Mà thân xác mình là gì ? có cao trọng gì không ? Phạm đến chính thân xác mình thì có sao đâu mà phải nể sợ ? Đây chính Lời Kinh Thánh nói tiếp cho ta biết : phạm tội tà dâm là phạm đến chính thân xác, tội ấy trầm trọng lắm, vì thân mình ta đã được thánh hóa, được nâng cao lên làm “Đền thờ của Chúa Thánh Thần”, Ngài ngự trong thân mình ta. Từ khi chịu “Phép Rửa”, ta không còn thuộc về ta nữa (1Cr 6.19-20):
“Anh em không còn thuộc về mình nữa, vì anh em đã được Chúa Giêsu đổ máu ra làm giá mua anh em hẳn hòi rồi...”
“Anh em thuộc về quyền sở hữu của Đức Kitô, cũng như Chúa Kitô thuộc về Chúa Cha vậy”.
“Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em...” nhất là bởi đừng phạm tội tà dâm.
3/ Qua các lời Kinh Thánh dạy trên, ta thấy : đức thanh tịnh là một của báu, nó có một vẻ đáng trọng nể, đáng yêu và một vẻ đẹp huyền diệu. Người thanh tịnh, trong sạch từ trong tâm hồn, nên toát ra ngoài nét mặt một vẻ đẹp cao siêu, thoát tục... Vì họ đã tự chủ được bản thân, làm chủ, kềm chế nổi các mãnh lực của dục tình, nên họ là người đáng tin cậy, người ta có thể tin cậy vào họ và hi vọng nơi họ chu toàn được các nhiệm vụ khó khăn khác nữa, vì người đời đã có câu : “Thắng 10 thành, không khó bằng thắng con tim của mình”.
Người thanh tịnh là con người tự do. Họ nếm được niềm vui sâu sắc của tâm hồn. Họ là người hạnh phúc.
Nhưng nên nhớ đừng hiểu lần : thanh tịnh không phải chỉ là cái gì tiêu cực, phải hãm dẹp, kềm chế các sự ô uế, vì như thế chẳng khác gì kẻ đi xe gắn máy mà chỉ cốt sao cho khỏi ngã. Phải là cái gì tích cực đem hạnh phúc, tự do, bình an cho mình và cho kẻ khác.
Người có lòng thanh tịnh có khả năng lập một gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng có lòng thanh tịnh sẽ yêu nhau tận tình, sâu sắc hơn, luôn tin tưởng ở nhau không bao giờ có sự phản bội tình yêu, vì ai nấy đều biết làm chủ bản năng. Trong hôn nhân, họ sẽ không bao giờ tìm thú vui ích kỷ cho mình. Ta cứ hỏi kinh nghiệm nơi các vợ chồng đã chung sống lâu năm thì biết rõ : khi người vợ biết chồng mình chỉ là kẻ ích kỷ, không biết làm chủ thân mình, chỉ tìm thú vui riêng mình, người vợ cảm thấy thiếu thốn, xót xa, không hạnh phúc... và từ đó, gia đình sẽ lục đục, có nguy cơ tan rã ! Còn ngược lại, hai người đều biết tự chủ, chỉ luôn mưu cầu hạnh phúc và vui sướng cho người kia, sống cho người mình yêu : gia đình ấy hạnh phúc. Chúc lành của Thiên Chúa sẽ tuôn xuống trên họ và trên con cái.
4/ Đây là một vài thắc mắc thường gặp trong các bạn trẻ : Có dư luận cho rằng cần phải biết đàn bà trước khi kết hôn, thì hôn nhân mới bền. Xin đáp : các cụ ngày xưa có câu : “Già nhân ngãi, non vợ chồng”, nghĩa là lúc đang còn tìm hiểu nhau trong thời kỳ yêu đương mà chưa kết hôn, nếu đi quá trớn vượt vòng lễ giáo, thì trong đời hôn nhân sau này, lúc họ thành vợ thành chồng rồi, sau một thời gian, sẽ dễ khinh dể nhau, nhàn chán nhau, đưa đến đổ vỡ, ly dị... Và nếu biết đàn bà theo kiểu cách ấy, thì thật là dại dột ; vì không có người đàn bà nào tiêu biểu được tất cả đàn bà (trích cuốn “Tôi có yêu một thiếu nữ” của W.Trobish, Saigon 1962), vì mỗi người đàn bà đều khác nhau, không phải về phương diện thân xác, nhưng là về phương diện tình cảm, không ai giống ai. Sau 5, 10 phút với cô gái trong bụi cây, bạn chỉ biết rất ít về thân xác cô ta và hoàn toàn không biết gì về tâm hồn cô, vậy bạn sẽ làm sao mà nhờ đó để chuẩn bị cho hôn nhân được bền vững ? Bạn chẳng bao giờ biết rõ được người đàn bà, nói chung, mà chỉ có thể biết rõ về một người đàn bà, khi bạn nhận người ấy làm vợ mình mà thôi, tức là bạn không thể nào biết rõ một người đàn bà ngoài hôn nhân ; song chỉ trong hôn nhân, trong bầu khí tin yêu nhau, mà việc chung đụng xác thịt là một trong nhiều cách thức biểu lộ tình yêu. Và tình yêu chân thật sẽ là động lực cùng là sự bảo đảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình mãi bền vững. Vậy, các bạn trai luôn nhớ phải tôn trọng tiết trinh của người bạn gái trước khi kết hôn, chính bản tính của người con gái đòi hỏi điều đó, nên khi yêu thương một người con gái, bạn có trách nhiệm rất lớn. Bạn phải luôn nhớ rằng : nếu nàng buông trôi quá sớm, thì sẽ tai hại cho mình và cho tương lai gia đình mình thế nào, vì bạn đã làm thương tổn cho nàng. Và bạn sẽ không thể hiểu việc gì xảy ra trong lòng nàng : cái ấn tượng không bao giờ nguôi ấy... rồi có lúc thế nào ấn tượng ấy cũng sẽ biểu lộ ra bằng cách này, cách khác để tác hại, để bôi đen trên đời sống vợ chồng.
Tích truyện
Cô gái bên sông Lại Thủy
Trên đường lánh nạn vì bị vua tầm nã, Ngũ Tử Tư một hôm chạy đến gần sông Lại Thủy, ở nước Ngô và gặp một người con gái dệt vải, để bên cạnh một giỏ cơm. Đói và mệt lã, Ngũ Tử Tư xin cơm ăn, nàng đáp :
- Nay tuy tôi đã 30 tuổi, song còn ở với mẹ chưa xuất giá. Xin Ngài đứng xa ra. Cơm của tôi ăn không đủ, xin Ngài tìm nơi khác.
Ngũ Tử Tư van nài :
- Cô giúp tôi lúc đói khát, làm việc nghĩa có chi tai tiếng ?
Nàng suy nghĩ một lát, hồ nghi Ngũ Tử Tư không phải là người tầm thường, bèn cho dùng cơm no. Ăn xong, Ngũ Tử Tư bảo người con gái giữ bí mật đừng cho ai hay. Người con gái âu sầu than :
- Thiếp từ lâu sống khiết trinh, ở độc thân, không bao giờ nói chuyện cùng đàn ông để bị ố danh. Thế mà nay vì giúp Ngài bất kể lễ giáo, thật không gì nhục nhã hơn.
Sau khi Ngũ Tử Tư lên đường, cô gái đã đâm đầu xuống sông tự tử.
- Thư Viện: