Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 047

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA 47

 

Quyền sở hữu

 

Trích sách Khởi Nguyên, ch.23

 

Bà Sa-ra, thọ 127 tuổi, và đã chết tại Hê-brôn, trong xứ Ca-na-an. A-bra-ham đã để tang than khóc vợ mình. Đoạn ông chỗi dậy, đi thương lượng với con cái Khét rằng:

 

- Đối với các ông, tôi chỉ là khách ngụ cư. Xin các ông nhường cho tôi sở đất phần mộ giữa các ông, để tôi chôn cất người chết của tôi.

 

Con cái Khét đáp:

- Xin vô phép, thưa Ngài! Ngài là ông hoàng của Thiên Chúa giữa chúng tôi. Thửa mộ nào tốt nhất, xin cứ lấy mà chôn cất người chết. Không ai trong chúng tôi dám ngăn cản”.

 

A-bra-ham chỗi dậy, vái sâu một lượt dân trong xứ mà nói:

- Nếu các ông đồng tình, xin nài hộ tôi với Ê-phrôn, con của Xô-kha, xin ông ấy nhượng cho tôi hang Mác-pê-la, với giá bạc sòng phẳng.

 

Ê-phrôn hôm ấy cũng ngồi giữa đám, đáp lời, cótất cả những người qua lại cổng thành nghe được rằng:

- Xin vô phép, thưa Ngài! Thửa đất ấy, tôi xin biếu Ngài, và hang trong đó, tôi cũng biếu Ngài, cómặt dân tôi chứng kiến.

 

A-bra-ham vái sâu dân trong xứ một lượt và nói:

- Xin ông nhận giá bạc của thửa đất ấy.

 

Ông kia đáp lại:

- Thưa Ngài, thửa đất 400 nén bạc ấy giữa tôi và ngài thì có là gì ? Ngài cứ lấy chôn cất người chết của ngài.

 

Nhưng A-bra-ham đã cân 400 nén bạc trả cho ông ta, giá bạc hiện hành lúc ấy.

 

Như vậy, cánh đồng của Êph-rôn, ở Mac-pê-la, cánh đồng và hang trong đó, tất cả cây cối cótrong đồng... đã sang cho A-bra-ham làm sở hữu trước mặt con cái Khét. A-bra-ham đã an táng Sa-ra, vợ ông, trong hang ấy, tức là ở Hê-brôn, trong đất Ca-na-an.

 

*   Đól à Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Câu chuyện Kinh Thánh vừa nghe xảy ra cách đây khoảng 38 thế kỷ, 18 thế kỷ trước Chúa giáng sinh, cộng với 20 thế kỷ từ khi Chúa giáng trần, vậy là 3.800 năm, so với sử Á Châu thì thời ấy vào cuối đời nhà Hạ bên Tàu, và giữa đời Hồng Bàng bên nước ta. A-bra-ham đi thương lượng để mua một cánh đồng, trong đócómột cái hang để làm phần mộ chôn cất Sa-ra, vợ ông, vừa mới chết. Đối với dân Do thái, câu chuyện này rất quan trọng và cóý nghĩa. Tức là Thiên Chúa đã hứa ban cho ông A-bra-ham và dòng dõi ông đất Ca-na-an làm cơ nghiệp. Thì đây là lúc thực hiện lời hứa ấy. Vì từ trước, ông mới chỉ là khách ngụ cư. Nay lần đầu tiên, ông cóquyền sở hữu một thửa đất trên đất Chúa hứa ấy.

 

Còn đối với chúng ta, chỉ cốt ý lấy ra bài học về việc đạt quyền sở hữu, là đề tài của bài học hôm nay.

 

1/ Người ta đạt quyền sở hữu chính đáng bằng nhiều cách: bằng cách chiếm đất vô chủ ở hoang địa, hoặc bằng lao động, bằng đổi chác, bằng mua bán hay sang nhượng như chuyện A-bra-ham đi mua cánh đồng Hê-brôn hôm nay, hoặc bằng di chúc chia gia tài, hoặc bởi người khác cho... Một vỏ sò đẹp tôi nhặt ở bãi bể, một quả ngon tôi hái trong rừng: các cái đóthuộc quyền sở hữu của tôi. Nếu tôi cho ai, thì việc cho đócũng là vì tôi làm chủ vật đó, nên có quyền định đoạt về của ấy qua cử chỉ lịch sự là biếu tặng. Rồi đến sức lao động của con người, khởi sự từ thời hồng hoang bằng cách hái trái cây, hay săn thú vật - lao động ấy lập cho con người quyền sở hữu các vật ấy. Cái mà trí khôn họ nặn óc nghĩ ra, cái mà tay tài khéo họ nặn ra được: các cái đóthuộc về của họ - khi họ đem sức lao động làm công cho người khác, thì tiền lương là của họ, vì công khócủa họ đã lập cho họ quyền sở hữu trên món tiền ấy. Quyền sở hữu cũng còn do việc sang nhượng, di chúc chia gia tài. Việc mua hoặc bán là một sự đổi chác song phương: bên mua cũng như bên bán đều từ bỏ quyền sở hữu một vật gì để đánh đổi lấy vật kia mà mình cần cóhay mơ ước. Trong tất cả các điều nói trên, cần cósự thật thà và công bằng của hai bên. Tất cả mọi hình thức lường gạt chỉ làm cho họ chiếm đoạt được của, chứ không lập cho họ quyền sở hữu của ấy. Sự chiếm đoạt ấy là bất hợp pháp là không công bằng. Tỉ dụ tôi giật của khách bộ hành chiếc đồng hồ. Hành vi côn đồ ấy làm tôi chiếm được vật ấy, song không mang lại cho tôi cái quyền sở hữu chủ của vật ấy. Tôi không có quyền đó. Ăn cắp, ăn cướp, lường gạt không là hành vi lập quyền sở hữu. Do đó, pháp luật đến bắt kẻ gian phi trả lại của ấy cho chủ cũ của nó. Nói đến đây, ta thấy ông A-bra-ham trong chuyện trên kia thật là người đàng hoàng hết mức. Ông được dân bản xứ coi ông “là ông hoàng của Thiên Chúa giữa chúng tôi”. Rồi họ nói: “Vậy thửa đất nào tốt nhất, ông cứ việc lấy...”. Nhưng A-bra-ham không cậy quyền, ỷ thế. Ông tôn kính họ, vái sâu họ khắp lượt mà xin họ nhượng lại một cánh đồng với giá cả sòng phẳng là 400 nén bạc. Sòng phẳng có nghĩa là không bớt xén, không cậy uy thế hay võ lực mà ép giá, không lợi dụng thời cơ mà trả nửa tiền...

 

2/ Suy nghĩ kỹ thì thấy: Thiên Chúa không những đã ban cho con người quyền bá chủ muôn loài ở thế giới này (như đã xem ở bài trước), còn ban phép cho họ cóquyền chiếm nólàm của riêng mình nữa. Do đó, quyền tư hữu là một quyền Thiên Chúa ban cho loài người, ban sẵn ngay từ lọt lòng mẹ, ban sẵn nằm trong bản tính của ta, ta gọi là quyền bẩm sinh. Nólà sự đòi quyền sống, đòi cónhững cái để bảo vệ và phát triển mạng sống mình. Ngay từ trẻ sơ sinh nằm trong nôi, đã khư khư giữ lấy bình sữa. Các cô giáo nhà trẻ suốt ngày phải xử kiện: chốc chốc lại có đứa vừa khóc vừa đòi: “trái banh của tôi, “đồ chơi của tôi”. Lúc khác, cô phải can hai bé gái đang cào cấu, túm tóc nhau dành con búp bê của mình... Nhưng quyền tư hữu ấy phải được lập cách chính đáng chứ không do ăn trộm, ăn cắp hay lường gạt, gian trá...

 

Vì thế, trong Kinh Thánh Cựu Ước, sau khi Thiên Chúa ban cho loài người làm bá chủ muôn loài, thì Người cũng lại ra lệnh cho con người: “Ngươi sẽ không được trộm cắp, không được mê muốn nhà cửa, mê muốn vợ của đồng loại, tôi trai tớ gái của nó, bò lừa của nó, và bất cứ vật gì của nó” (Xh, 20.15-17).

 

Cóđiểm đáng lưu ý: người xưa coi vợ như một của cải mà chồng tậu được, cho nên mới xếp vợ vào đồng hàng với các của cải khác như vừa nghe ở câu Kinh Thánh trên. Cho nên tội ngoại tình không được coi như một tội lỗi đức thanh tịnh, cho bằng một sự chiếm đoạt bất hợp pháp một vật thuộc sở hữu của người khác, vi phạm quyền của người chồng. Người xưa chưa cócái nhìn đúng về phẩm giá phụ nữ như ngày nay.

 

Giới răn chớ lấy của người do Cựu Ước công bố, được chính Chúa Giêsu tái xác nhận trong Tin Mừng Mt 19.18: Chúa Giêsu trả lời người thanh niên kia: “Nếu ngươi muốn vào sự sống thì hãy giữ các giới răn: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp...”. Như thế chưa đủ, sau này, thời Giáo Hội sơ khai, các Kitô hữu còn yêu thương nhau hơn ruột thịt: “Họ chỉ có một tấm lòng và một tâm hồn... Hết thảy họ đều coi mọi sự như của chung: đất đai, của cải, nhà cửa thì bán đi, đem giá cả các vật bán được mà đặt dưới chân các Tông đồ, để phân phát cho mỗi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình, để không có ai trong họ phải thiếu thốn” (Cv 2.42-47; 4.32-35).

 

Có người đã hiểu rằng Giáo Hội sơ khai thực hành một chủ nghĩa cộng sản đạo đức. Câu chuyện thuật ngay sau đó về ông Ananya đã làm chứng rằng không phải thế: các Kitô hữu không ai bị ép buộc phải bán nhà, đất đai, họ vẫn giữ quyền tư hữu ; và sau khi bán rồi, họ vẫn có quyền định đoạt về số tiền của họ đã bán được (Cv 5.4-9). Nói tóm, Giáo Hội sơ khai chia sẻ của để ai cũng có đủ điều cần để sống, đúng như ý Thiên Chúa muốn khi ban cho cả loài người quyền bá chủ vạn vật.

 

3/ Lý do của quyền tư hữu: Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người. Mà Thiên Chúa là chúa tể muôn loài muôn vật (như đọc ở bài trước). Vậy con người cũng phải giống Thiên Chúa mà làm chủ mọi vật. Ta giống Thiên Chúa không phải bằng nét thể xác, vì Thiên Chúa là tinh thần vô hình, cóai thấy đâu mà giống. Vậy ta giống Thiên Chúa bởi các nét tinh thần, tức là các đức tính, các nhân đức, các phẩm chức như tự do, thông minh, ý chí, tình yêu, quyền lực, quyền làm chủ và cai quản vũ trụ... Như thế, khi ta làm sở hữu chủ một vật gì, thực ra là ta cử hành một hành vi vương giả, chúa tể, hành vi của một vị vua, vị bá chủ: làm chúa tể trên cái vật thuộc về ta đó, như Chúa đã phán: “Hãy làm bá chủ trên nó, và cai trị trên tất cả mọi vật” (Kn 1.28).

 

Song tại sao, vì lý do gì Chúa cho ta làm chủ sự vật như thế ? Đó là vì các của cải vật chất là những phương tiện cómục đích giúp ta bảo vệ mạng sống, phát triển bản thân ta, hầu dễ dàng đạt cứu cánh đời mình là Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời. Tỉ dụ như áo quần nó giống như da bọc thân ta, bảo vệ thân thể ta khỏi nóng, lạnh, gai góc, muỗi chích... Các đồ dùng khác cũng giống như tay chân ta nối dài ra: tay không làm sao xiết bù loong ? Chiếc kìm sẽ giúp đôi tay yếu ớt. Cái nhà che nắng che mưa, và tạo một khung cảnh sống thân mật cho mình và cho gia đình. Tiền là phương tiện để đổi chác với người khác lấy đồ ăn, thức uống và các vật cần dùng. Và các điều khác đều giống vậy...

 

Thiên Chúa quan phòng đã cho loài người đủ phương tiện như thế để làm chủ và trách nhiệm về đời mình. Vì thế, theo nguyên tắc, ai cũng có quyền được cóđủ phương tiện vật chất để sống cuộc đời mình và phát triển bản thân. Bởi vậy, người không phát triển bản thân, và không đạt đích đời mình, thì không trách ai được. Họ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhưng thảm thay! Do lòng ích kỷ, tham lam của một số người không nhỏ, làm người khác bị tước đoạt mất quyền làm chủ của cải cần thiết cho cuộc sống, bị dồn vào một cuộc sống mất phẩm giá, không còn là con người, chỉ còn như súc vật: đó là một hoàn cảnh phi luân, trái ý muốn Thiên Chúa. Nếu cả vũ trụ, muôn loài muôn vật, Thiên Chúa đã ban chung cho loài người, thì Ngài lại để cho họ lo trách nhiệm tổ chức và phân phối sao cho mỗi người, tùy theo nhu cầu, tùy tài sức của họ..., để đừng có kẻ phải túng thiếu, kẻ khác quá giàu có, no đầy, phè phỡn. Do đó, Giáo Hội công giáo, chiếu theo ý Chúa, giữ vững lập trường: có quyền tư hữu rộng rãi, song không ủng hộ quyền tư hữu vô hạn và vô tổ chức, vô trách nhiệm do tham lam và ích kỷ mà con người muốn vơ vét cho mình, không nghĩ đến công ích, công lợi chung của xã hội.

 

 

Tích truyện

 

Hai ruộng dưa

 

Có hai người, một thuộc nước Lương, một thuộc nước Sở, ở gần nhau, đều trồng dưa. Người nước Lương siêng bón, tưới, nên dưa tốt. người nước Sở lười biếng nên dưa xấu ; nhưng thấy dưa của bạn tốt lại đâm lòng ganh tị, mỗi đêm lén qua cào phá đến nỗi làm dưa héo cằn. Người nước Lương đi thưa quan huyện. Ông này bảo người ấy:

 

- Đừng thưa kiện, cũng đừng báo thù, cào phá trả đũa, chỉ thêm gây oán. Mỗi đêm, người hãy đi tưới dưa cho người ta mà đừng để cho họ biết.

 

Người nước Lương vâng lời, đêm đêm sang tưới và xới đất, vun gốc. Sau đó, dưa của người nước Sở lười biếng đâm tốt tươi. Hỏi ra mới biết người nước Lương lén tưới hộ, đâm ra mến phục người ấy vô cùng.