Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 082

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  82

 

Nước thiên chúa ở đâu ?

 

Nước Chúa mà chúng ta được phúc vào sống, dân Cựu Ước xưa mới chỉ được nghe báo trước. Đây là một cảnh thị kiến của tiên tri Đaniên về Vương quốc ấy :

 

Trích sách Đaniên, 7.9-28

 

Tiên tri Đaniên kể lại rằng :

 

-     Tôi thấy có nhiều ngai được đặt thứ tự lớp lang, và chính giữa có Đấng Cao Niên ngự. Áo Người trắng như tuyết, tóc Ngài như len trắng, ngai của Người như lửa hỏa hào... Ngàn ngàn vạn vạn các thiên thần chầu quanh Người. Rồi như thể một Con-loài-Người đi đến với mây trời, Ngài tiến lại trước Đấng Cao Niên và được trao tặng quyền bính vinh dự, vương triều. Tất cả các dân, các nước phải làm tôi Ngài. Quyền bính Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời.

 

Thấy thị kiến xong, Đaniên không hiểu, mới đến gần một vị trong những người đứng chầu và hỏi, thì được giải thích như sau :

 

-     Đấng Cao Niên đó là Thiên Chúa tối cao. Con-loài-Người ấy là tượng trưng cộng đoàn các thánh của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho chư-thánh ấy Nước và quyền bính cùng sự lớn lao, cao trọng. Nước của Thiên Chúa đó sẽ bền vững mãi mãi cho đến đời đời.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Hội Thánh đọc thấy trong thị kiến thuật trên đây lời báo về Nước Chúa, mà ở đó gọi là cộng đoàn các chư-thánh, được tượng trưng dưới hình dạng một Con-loài-Người. Nói tóm, đó là Vương quốc, đó là Nước Chúa mà Đức Giêsu thiết lập ngay từ trần gian này, và chúng ta, ai đã thật lòng hối cải, từ bỏ tội lỗi, chịu Phép Rửa tái sinh với lòng tin chân thật, thì đã được vào.

 

Kỳ này, ta lại học hỏi thêm về Nước Chúa đó, vì thấy là điều rất quan trọng. Tại sao ? Tại vì nếu ta hiểu sai Nước Chúa, thì ta sẽ sống không hạnh phúc, không hiên ngang. Phần đông, chúng ta coi nước ấy là Hội Thánh, giống như một hội đoàn, trong đó, trên hết là Đức Giáo Hoàng cai trị cùng các Hồng Y, rồi Ngài ủy quyền cho Đức Giám Mục cai trị địa phận, rồi Đức Giám Mục lại đặt Cha chính xứ (cha Bổn sở ) cai trị, chăn dắt chúng ta như đàn chiên ngoan ngoãn, ngơ ngác, chỉ biết cúi đầu vâng phục.

 

Sống như thế, thì buồn quá !

 

Chúa nói trong bài Kinh Thánh trên kia rằng : Đây là Nước Thiên Chúa ban cho chư thánh (tức là chúng ta), đồng thời ban đủ mọi sự lớn lao cao trọng ! Và nước đó là cộng đoàn các chư thánh, vui sướng, yêu thương, mà sống hạnh phúc với nhau trước Nhan Thiên Chúa là Cha hiện diện ở giữa cơ mà !!!

 

Vậy, ta hãy sửa đổi những ý tưởng sai lệch đi. Như kỳ trước đã nói : Nước Thiên Chúa không phải ở trong lòng, không phải ở trên thiên đàng, sau khi chết mình mới được lên, cũng không ở trên trời, là một nơi mơ hồ, huyền ảo, bồng bềnh trên không trung, tại một chỗ nào đó ta không thể biết. Vậy Nước Chúa ở đâu ? Thưa : Đức Giêsu thiết lập ngay từ dưới đất này, ngay từ đời này, tuy nó sẽ kéo dài mãi vô cùng vô tận đến đời sau.

 

+   Tới đây, có người sẽ hỏi : thế thì bằng chứng đâu mà nói như vậy, từ xưa đến nay vẫn nghe giảng dạy như trên kia, mà sao bây giờ lại nói khác hẳn đi ?

 

Đáp : Từ xưa đến nay giảng dạy như vậy, đó là vì - như lần trước đã nói - vì đã dịch sai và hiểu sai những chữ TRỜI dùng trong Thánh Kinh. Nước Trời, xưa nghĩ là ở trên trời, trên chín tầng mây..., chứ kỳ thực, “trời” chỉ là cách nói chại đi của người Do thái để tránh kêu tên Chúa vô cớ (kỳ trước đã giải).

 

-    Nếu hỏi rằng bằng chứng đâu mà nói thế ? Xin thưa rằng : có bằng chứng trong Kinh Thánh hẳn hoi. Chắc ai ai cũng biết rằng Đức Giêsu thường nói : “Nước Trời giống như...”, chẳng hạn, lúc thì Chúa bảo giống như hạt cải, nó bé nhất, song từ từ cứ lớn lên đến nỗi có thể cho chim trời nương náu trên cành nó.

 

Sự từ từ phát triển từ bé đến lớn đòi phải có thời gian, mà thời gian là dấu nước ấy thuộc về đời này, vì đời sau không có thời gian nữa, vì là đời đời rồi. Trên thiên đàng, không còn có thời gian, không có sự phát triển từ nhỏ đến lớn, vì ở đó là nơi hoàn hảo, hoàn thiện, trọn tốt, trọn lành. - Lấy thêm một chứng nữa thôi : Đức Giêsu ví nước Chúa như Vua kia mở tiệc cưới Hoàng tử, cho gia nhân đi mời khách, song họ từ chối, người lấy cớ đi buôn, người khác lấy cớ đi tậu bò, người vì mới lấy vợ... Ông Vua giận lắm, liền sai tôi tớ ra các ngả đường mời mọi người gặp được bất luận dữ hay lành, và phòng tiệc đã đầy khách dự tiệc (Mt 22.10). - Nếu coi Nước Trời là nước thiên đàng sau này trên trời, nơi trọn tốt trọn lành, thì sao trong nước thiên đàng lại còn có cả kẻ dữ được vào đó ? Đúng hơn, chẳng phải nước ấy đang ở ngay tại trần gian, nên mới có kẻ dữ ở chung với kẻ lành, cỏ lùng mọc chen với lúa tốt, đợi đến ngày phán xét, Chúa sẽ tách kẻ dữ ra khỏi kẻ lành, tách cỏ lùng ra khỏi lúa sao ?

 

  •      Hậu quả thực tế của lối hiểu lệch lạc ấy rất tai hại cho đời sống tín hữu.

 

Đây xin lấy một vài ví dụ :

 

a/  Khi chúng ta tưởng nước Chúa là nước thiên đàng ở đời sau, sau khi chết mới vào, thì ta sẽ coi trần thế này là nơi lưu đầy, khổ ải, nơi lập công. Sẽ xảy ra là ta coi mọi người, mọi sự như phương thế mình dùng lập công để được thiên đàng. Việc yêu thương, bác ái cũng thành phương thế lập công. Ví dụ : một người anh em ta đói nghèo, ta sẽ bố thí cho họ không bởi ta yêu thương họ, song ta nghĩ là ta lập công để có nhiều công nghiệp đáng được Chúa thưởng trên thiên đàng. Như vậy, đâu còn là yêu thương anh em, mà là yêu thương chính mình ta rồi. Anh em chỉ là phương thế làm lợi cho ta, là dịp lập công cho ta ! Thánh Phaolô vạch rõ trong thư gửi tín hữu Corintô như sau : “Giả sử tôi đem tất cả gia tài tôi mà bố thí..., mà tôi lại không có lòng bác ái, thì điều đó thành vô ích cho tôi” (1Cr 13.3). Ai cũng tưởng bố thí là bác ái, thế mà Thánh Phaolô lại nói có thể bố thí mà không có lòng bác ái. Rõ ràng chưa ? Bố thí mà không có lòng bác ái, là khi bố thí để lập công cho mình và người nghèo chỉ là phương tiện, chứ không là kẻ mình yêu thương.

 

Còn nếu ta coi Nước Chúa là ngay ở trần gian này, thì người anh em đó, dù nghèo vẫn là anh em ta, ta thương yêu, xót xa cho họ, họ mang hình ảnh Chúa, cùng trong một Vương quốc của Chúa, nên ta đùm bọc, che chở, giúp đỡ... Sống trong tâm tình yêu thương như vậy mới đẹp làm sao ! Nếu tất cả mọi người đều thực hành như thế, thì thật trần gian đã thành thiên đàng rồi vậy ! Mà Nước Chúa chính là vậy đó !

 

b/  Một ví dụ nữa  : Nếu ta coi nước Chúa là ở đời sau, ở trên thiên đàng, thì sẽ có người nghĩ : sống bừa bãi sao cũng được, miễn là đến lúc sắp chết bảo vợ con mau mau đi gọi Cha, Thầy đến làm phép xức dầu, thế là yên chí ! Nghĩ và tính toán như thế, nên ở đời này, họ sống bừa bãi, vợ nọ, con kia, chơi bời, gian ác, cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt..., miễn sao giờ lâm chung có lãnh các phép sau hết là lọt vào cửa thiên đàng ! - Không đúng đâu ! Lầm to tai hại ! Như kỳ trước đã nói : trên thiên đàng không có cửa ! Vì cửa thiên đàng lại ở ngay dưới trần gian này rồi. Có vào thì vào ngay cửa Vương quốc Chúa ở trần gian, còn nếu không vào cửa ấy, thì cứ ở ngoài mãi mãi, đời đời mà khóc lóc, nghiến răng... Vì Đức Giêsu có phán trong Tin Mừng Gioan, 10.9-10 : “Cửa vào, chính là Ta ! Ai ngang qua mà vào, thì sẽ được cứu. Nó sẽ vào, sẽ ra và sẽ gặp được lương thực”. Do đó, thật lầm to cho ai không ngang qua cửa Đức Giêsu mà vào, lại cứ tưởng vào lậu cửa thiên đàng trên trời đâu đâu.Vào cửa Đức Giêsu ngay ở trần gian này mà sống đến khi chết, khi ta xuôi tay nhắm mắt thân xác, thì mắt linh hồn ta mở ra, là thấy được Chúa ngay, và thấy mình ở trong thiên đàng.

 

Kết luận : Ai hiểu điều diễn giải trong hai kỳ này mà sống, thì thấy rất vui sướng, rất hãnh diện, vì họ đang sống trong một Vương quốc rất tốt đẹp, đầy yêu thương, công bình, bác ái. Hãy lo học hỏi Hiến pháp của Nước Chúa là sách Phúc Âm, để giữ trọn nghĩa vụ công dân Vương quốc. Cuối cùng, hãy nghe Thánh Phaolô bảo : “Anh em hãy hân hoan cảm tạ Cha... Chính Người là Đấng đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm (ma vương, quỉ dữ mà người ngoại và kẻ tội lỗi đang chìm đắm trong đó) và chuyển anh em vào Vương quốc của Đức Giêsu, Con chí ái của Người” (Cl 1.12-13).

 

 

Tích truyện

 

Một người nằm chiêm bao thấy có một cái thang cao thật là cao, bắc từ đất, chọc qua 9 tầng mây lên tận trời. Anh ta nghĩ rằng :

 

-     Chắc đây là chiếc thang bắc lên tận cửa thiên đàng.

 

Chắc bụng như thế rồi, anh ta yên chí lo làm ăn, vơ vét tiền bạc, và khi có tiền, anh ta chơi bời hoang dâm, đàn đúm bạn bè nhậu nhẹt. Thỉnh thoảng, lúc tỉnh cơn say, anh giật mình, sợ án phạt hỏa ngục mà Chúa đã báo trong Phúc Âm, nhưng anh nhớ đến cái thang, anh lại chặc lưỡi tự nhủ :

 

-     Ta có cái thang thần kia rồi ! Khi gần chết, ta chỉ việc leo lên là nó đưa ta tới thiên đàng.

 

Một hôm, anh thấy mình bị bệnh gần chết, anh vội vàng chạy đến thang, leo lên, leo mãi..., gần tới thiên đàng, sắp thò đầu vào thì bỗng nghe một tiếng phán từ thiên đàng :

 

-     Kẻ khốn kiếp kia ! Ngươi không biết rằng : Ta là Cửa, kẻ nào không qua Ta mà vào, nhưng trèo vào từ nơi khác, kẻ đó là trộm cướp ư ?” (Ga 10.1).

 

Sợ quá, anh lộn nhào xuống chân thang rất mạnh, và giật mình thức dậy. Té ra là một giấc chiêm bao. Từ đó, anh thay đổi cách sống.